HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường

23/12/2020 13:40

13 giờ 30 chiều 23.12, Kỳ họp lần thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành thảo luận tại hội trường.

>>> Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực 

>>> Bàn thảo giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công
>>> Thực hiện tốt mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội

>>> Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
>>> HĐND tỉnh xem xét nhiều báo cáo, tờ trình quan trọng
>>>Khai mạc Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI


 Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường

Mở đầu phiên thảo luận, các đại biểu nghe đồng chí Bùi Quang Hảo, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh đọc báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ. Trong chiều 22 và sáng 23.12, thảo luận tại các tổ có 45 lượt ý kiến tham gia vào các nội dung trình tại kỳ họp. Các ý kiến đều cơ bản nhất trí với các báo cáo đã trình bày, đồng thời đề nghị, kiến nghị HĐND, UBND tỉnh bổ sung các giải pháp để tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội tỉnh là: Tiếp tục đổi mới thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao hiệu quả đầu tư công; quan tâm giải quyết ô nhiễm môi trường; sử dụng tài nguyên đất đai hiệu quả, tiết kiệm...


Đồng chí Trịnh Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà phát biểu thảo luận

13 giờ 55, đồng chí Trịnh Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà phát biểu đồng tình cao với các báo cáo, tờ trình trình tại Kỳ họp.

Đồng chí Thiện cho rằng công tác thu ngân sách năm 2020 là rất khó khăn, tỉnh bị hụt thu. Tuy nhiên, phương án xử lý hụt thu từ việc huy động từ nguồn tiền đất về ngân sách tỉnh để xử lý hụt thu chưa là phương án có cơ sở vì 3 lý do. Đại biểu đề nghị nếu xác định dự kiến là hụt thu ngay từ đầu năm, cần cơ cấu lại nhiệm vụ chi, tạm dừng các nhiệm vụ chưa cần thiết, đặc biệt là các đề án, dự án không có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội thay vì huy động tiền sử dụng đất từ các địa phương, không nên tạo sự mất công bằng giữa các địa phương (địa phương tích cực làm thì lại giữ lại còn địa phương không làm thì không sao). Cần cân đối thu chi ngay từ đầu năm và yêu cầu từng cấp ngân sách nếu hụt thu thì tự giảm các nhiệm vụ chi tương ứng.

Về ý kiến của đồng chí Thiện, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình trao đổi, làm rõ việc thu lại tiền sử dụng đất cấp huyện. Nếu tất cả các huyện đều mong muốn có cơ chế đặc thù thì phải xem xét, có thể đăng ký theo công trình, có nguồn thu để thực hiện, có hiệu quả phục vụ.


Đồng chí Nguyễn Đình Tranh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang phát biểu thảo luận

14 giờ 16, đồng chí Nguyễn Đình Tranh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang phát biểu thảo luận. Đồng tình với ý kiến của đồng chí Trịnh Văn Thiện, đồng chí Nguyễn Đình Tranh khẳng định tỉnh ta đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Bày tỏ sự nhất trí, tâm đắc với những khâu đột phá, công trình trọng điểm mà tỉnh đề ra trong 5 năm tới, đồng chí Tranh đề nghị tỉnh cần quan tâm hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, nhất là về đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối, các khu dân cư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong tỉnh, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng, thu hút nhiều doanh nghiệp và tạo điểu kiện để các doanh nghiệp triển khai đầu tư nhanh nhất, có lợi thế cạnh tranh trong phát triển. Tỉnh cần sớm hướng dẫn sử dụng, quản lý trụ sở ở những xã sau sáp nhập để tránh lãng phí và những trụ sở của các cơ quan Trung ương, của tỉnh đã chuyển trụ sở mới, đang bỏ trống.

Cho rằng việc bố trí nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp những năm qua còn khiêm tốn, thậm chí giảm dần, đồng chí Tranh đề nghị tỉnh cũng cần chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng cần cơ chế đầu tư hỗ trợ tích tụ ruộng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tín dụng, công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tập trung đầu tư các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, chế biến nông sản, tạo đầu ra cho nông sản.


Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện đề nghị cần quy hoạch đồng bộ, tổng thể để định hướng rõ những khu vực phát triển công nghiệp

14 giờ 30, đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho biết cử tri và các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao những kết quả phát triển KTXH của tỉnh thời gian qua, nhất là về tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, hoàn thành các công trình trọng điểm... 

Về phát triển công nghiệp, đồng chí Mạnh đề nghị cần quy hoạch đồng bộ, tổng thể để định hướng rõ những khu vực phát triển công nghiệp, tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, sử dụng ít diện tích đất. Các địa phương cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch để hạn chế tối đa việc điều chỉnh, thay đổi quy hoạch, định hướng phát triển có tầm nhìn, bền vững. 

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Miện cũng đề nghị cần quan tâm hơn nữa giải quyết vấn đề rác thải, nước thải ở nông thôn. Hiện các bãi rác chôn lấp đã quá tải và khó có thể mở rộng nên cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác công nghệ mới, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đồng chí Mạnh cho rằng mức tăng trưởng kinh tế 2,1% của tỉnh tuy thấp nhưng cũng đã là sự cố gắng của tỉnh, nhất là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Đồng chí đề nghị cần tiếp tục ưu tiên, bổ sung các giải pháp để chủ động, quyết liệt chống dịch Covid-19 tạo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cần khẩn trương rà soát, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư, đón đầu các luồng chuyển dịch đầu tư để phát triển công nghiệp, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường.

Đồng chí Mạnh cũng đề nghị cần tính toán việc điều tiết tiền tăng thu sử dụng đất giữa các cấp ngân sách, có cơ chế đặc thù với từng công trình, nhất là các công trình trọng điểm để tạo sự chủ động cho các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng cần sớm thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất để tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Đồng chí cũng cho rằng việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế rất nhân văn nhưng bên cạnh đó cần quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến huyện và xã, nhất là có cơ chế thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao về địa phương công tác.


Đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn phát biểu thảo luận

14 giờ 55, đồng chí Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn đồng tình các ý kiến đã phát biểu.

Về phát triển nông nghiệp, ngoài đầu tư của tỉnh, đồng chí Liễu cho biết Kinh Môn đã thực hiện đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất, xây dựng các sản phẩm OCOOP. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đầu tư của tỉnh và cấp huyện còn chậm, cần thúc đẩy nhanh hơn nữa để có các sản phẩm thương hiệu, đưa vào các hệ thống tiêu thụ lớn. Cần xác định các vùng sản phẩm tập trung, hỗ trợ về chế biến, có quy hoạch và đầu tư ăn cơ hơn để có các sản phẩm nông nghiệp tốt hơn. 

Đồng chí Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn phản ánh năm nay Kinh Môn thu ngân sách đóng góp cho tỉnh xấp xỉ 3.000 tỷ đồng và để hỗ trợ Kinh Môn tiếp tục đóng góp nguồn thu lớn cho tỉnh, đề nghị tỉnh cho sử dụng nguồn phí từ khai thác khoáng sản theo quy định của Trung ương nhằm bù đắp cho nhân dân địa phương bị ảnh hưởng do khai thác khoáng sản. 


Đồng chí Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đề nghị tỉnh sớm hoàn thiện Đề án Phát triển du lịch Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

15 giờ 8, đồng chí Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc khẳng định tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Dù tỉnh đã có nhiều giải pháp để phát triển du lịch và đạt được những kết quả tích cực nhưng thực sự xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân là hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, đầu tư cơ sở hạ tầng còn khiêm tốn, chưa theo kịp nhu cầu, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế...

Đồng chí Liên cho rằng để du lịch Hải Dương phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, vị thế, tỉnh cần sớm hoàn thiện Đề án Phát triển du lịch Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó định hướng du lịch về tổ chức, quản lý, phát triển thị trường và đầu tư, đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Tỉnh cần chú trọng quảng bá, truyền thông, thu hút, khuyến khích đầu tư vào khu du lịch, khu di tích, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo đảm phát triển du lịch bền vững.

Đối với khu du lịch Côn Sơn-Kiếp Bạc, đồng chí Liên đề nghị tỉnh cần tiếp tục xác định đây là khu du lịch tiêu biểu, trọng tâm, thu hút tầm ảnh hưởng và quan tâm đầu tư phát triển, nhất là phát triển các nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, ẩm thực trong hệ thống di tích, khu, điểm du lịch vệ tinh của TP Chí Linh...

15 giờ 30, các đại biểu giải lao.


Đồng chí Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phát biểu thảo luận

15 giờ 45, đồng chí Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết dự báo của tỉnh về tình hình thời gian tới sẽ rất khó khăn là chính xác. Do đó, đòi hỏi sự cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa mới có thể hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển năm 2021 và giai đoạn tiếp theo. Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chúng ta phải tìm được các đầu kéo lớn, đủ sức thúc đẩy công nghiệp của tỉnh. Cần tập trung thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Cùng với đó là kiểm soát tốt môi trường trong các khu công nghiệp. Các cấp chính quyền, nhân dân toàn tỉnh cần tích cực ủng hộ tỉnh phát triển các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để tạo sức bật cho nền kinh tế. 

Đồng chí Phương đề nghị tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn các nhà đầu tư về thủ tục để sớm đi vào hoạt động; nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ công chức để đáp ứng yêu cầu phát triển. Về nguồn nhân lực, để đón đầu phát triển, tỉnh cần sớm xây dựng Đề án bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm cả kỹ năng mềm, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. 


Đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình một số vấn đề các đại biểu, cử tri quan tâm

15 giờ 58, đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình một số vấn đề các đại biểu, cử tri quan tâm.

Về vấn đề bộ sách giáo khoa Cánh Diều có một số nội dung không phù hợp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo thay thế các nội dung không phù hợp. Đến ngày 9.12.2020, nhà xuất bản đã có nội dung điều chỉnh gửi đến các trường.

Về vấn đề học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại, đồng chí Việt cho biết theo quy định hiện nay, học sinh được sử dụng điện thoại di động nhưng phải phục vụ học tập và được giáo viên cho phép. Thực tế các trường rất đang lúng túng trong việc thực hiện quy định này. Sở sẽ sớm có hướng dẫn thống nhất trong thời gian tới.

Đối với vấn về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, hiện chỉ có khoảng 15% số học sinh sau THCS đi học nghề, chưa đạt mục tiêu đề ra là 30%. Nguyên nhân là chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn tồn tại. Thời gian tới sở sẽ tham mưu các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp.

Về vấn đề thiếu giáo viên, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học, đồng chí Việt cho biết một số địa phương tuyển thiếu giáo viên do không có người dự tuyển như thị xã Kinh Môn thiếu 103 giáo viên, huyện Kim Thành thiếu 63 giáo viên so với chỉ tiêu.  Trong khi đó ở một số địa phương có sự tăng cơ học số học sinh, số lớp học. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến HĐND tỉnh cho chủ trương không tinh giản biên chế năm 2021 với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và giao chỉ tiêu theo quy mô lớp hiện có. Ngành cũng sẽ chỉ đạo các trường hợp đồng với các giáo viên mới ra trường, khuyến khích giáo viên nghỉ hưu đủ sức khỏe tiếp tục giảng dạy, bố trí giáo viên dạy liên trường... để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng giáo viên.

Về vấn đề thống nhất quản lý dạy thêm, học thêm trong tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đối với cấp tiểu học thì không được tổ chức dạy thêm, học thêm. Đối với cấp THCS thì được phép dạy thêm, học thêm nhưng không còn việc Nhà nước quy định mức học phí và số buổi học mà do sự thỏa thuận của nhà trường, giáo viên với phụ huynh học sinh. Giáo viên cũng không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Đồng chí Việt cũng cho rằng chính quyền không nên quy định cứng số buổi giáo viên dạy thêm để học sinh có thể theo học những giáo viên giỏi. Các địa phương cần rà soát, chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm phù hợp với quy định và thực tế, tạo sự thống nhất trong tỉnh. Sở sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nâng cao chất lượng quản lý dạy thêm, học thêm trong tỉnh. 


Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị trong nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, tỉnh cần quan tâm đến phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII

16 giờ 10, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận định phát triển nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, những sản phẩm tiêu biểu không nhiều, chỉ đạo liên kết sản xuất còn hạn chế, nông sản an toàn còn ít.

Đồng chí Tâm đề nghị trong nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, tỉnh cần quan tâm đến phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong đó đã xác định nông nghiệp là 1 trong 4 trụ cột. Tỉnh quan tâm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn; cần trợ giúp hơn nữa để người nông dân tự tạo mô hình sản xuất, đa dạng các mô hình sản xuất; sớm đánh giá hiệu quả các mô hình mới để quản lý thống nhất.       

Về kế hoạch đầu tư công 5 năm tới, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá cao tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các tỉnh xung quanh, cắt giảm, giãn hoãn một số công trình chưa cấp thiết, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn cấp thiết. 

Trong giai đoạn tới, đồng chí Tâm đề nghị cần tăng cường quản lý đất chuyển đổi, nhất là từ đất lúa sang các công trình, dự án khác.


Đồng chí Nguyễn Hoài Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phát biểu thảo luận

16 giờ 23, đồng chí Nguyễn Hoài Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thông tin trong nhiệm kỳ qua tỉnh đã chủ động đầu tư và phối hợp đầu tư, chuẩn bị đầu tư nhiều dự án, công trình kết nối giao thông bảo đảm tiến độ, chất lượng, được cử tri, người dân ghi nhận như: cầu Mây, cầu Triều, cầu Quang Thanh... Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thường xuyên rà soát, xin ý kiến UBND tỉnh chuyển các nguồn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Đồng chí Long cũng thông tin khái quát về quy mô, phương án, hiệu quả đầu tư đường trục Đông-Tây tỉnh. Khẳng định sự cần thiết đầu tư công trình, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các địa phương chủ động làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để việc triển khai, thực hiện đầu tư dự án bảo đảm tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và của tỉnh.

16 giờ 30, kết thúc ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2016-2021.

Sáng mai 24.12, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc và bế mạc.

NHÓM PV

(0) Bình luận
HĐND tỉnh thảo luận tại hội trường