Hiệu quả kép trong luân chuyển cán bộ ở Gia Lộc

27/08/2020 10:57

Việc luân chuyển cán bộ từ huyện về xã được huyện Gia Lộc triển khai không chỉ tạo môi trường rèn luyện thực tiễn cho các cán bộ mà còn giúp địa phương có nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


Ông Nguyễn Hữu Biên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Minh (thứ hai bên phải) nắm bắt tình hình nhân dân

Việc luân chuyển cán bộ từ huyện về xã được huyện Gia Lộc triển khai không chỉ tạo môi trường rèn luyện thực tiễn cho các cán bộ mà còn giúp nhiều địa phương có được nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Gỡ nhiều việc khó

Năm 2010, Đức Xương nằm trong tốp 3 xã nghèo nhất huyện Gia Lộc. Nhân dân nơi đây chủ yếu cấy lúa, trồng màu nhưng đất đai đa phần trũng, bạc màu nên năng suất, giá trị không cao. 50% số đường giao thông trong xã vẫn làm bằng gạch, đá lởm chởm. Nhà làm việc Đảng ủy, UBND xã, cơ sở vật chất 3 trường xuống cấp, thiếu phòng học... Năm 2011, xã được huyện chọn là 1 trong 6 xã triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2016. Khi ấy, xã mới đạt 7 trong tổng số 19 tiêu chí.

Những năm đầu, dù rất cố gắng nhưng tiến độ xây dựng NTM ở Đức Xương gần như dậm chân tại chỗ. Năm 2012, Huyện ủy Gia Lộc đã luân chuyển một đồng chí Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo về giữ chức Chủ tịch UBND xã, sau đó làm Bí thư Đảng ủy xã này. Ông Phạm Đăng Thẩm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết từ đó tư duy lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của địa phương gần như đổi mới toàn diện, mang lại hiệu quả rõ nét. Chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng như dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; chuyển đổi 60 ha ruộng trũng sang nuôi thủy sản; xây dựng 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I... Năm 2018, xã Đức Xương về đích NTM.

Tháng 9.2019, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đức Xương được điều động về huyện. Huyện ủy Gia Lộc tiếp tục điều động đồng chí Phạm Hải Hà, Huyện ủy viên, cán bộ Phòng Tư pháp huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã. Người đứng đầu cấp ủy xã Đức Xương đã từng bước để lại dấu ấn tốt đẹp với cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương với phong cách làm việc năng động, quyết đoán, tận tụy, giải quyết kịp thời tâm tư, vướng mắc của nhân dân. Ông Hà cùng tập thể lãnh đạo địa phương đã xác định sẽ đưa Đức Xương trở thành xã NTM nâng cao vào năm 2023. Từ một xã nghèo, Đức Xương đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 50,3 triệu đồng.

Xã Quang Minh từng xảy ra nhiều vi phạm đất đai. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ nguồn, nhất là cán bộ chủ chốt gặp nhiều khó khăn. Xã còn thiếu 4 công chức so với chỉ tiêu biên chế, một số người làm việc chưa tập trung, hiệu quả không cao. Tháng 6.2020, Huyện ủy Gia Lộc đã luân chuyển đồng chí Nguyễn Hữu Biên, Trưởng Phòng Tư pháp huyện về giữ chức Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Quang Minh. Ngay từ những ngày đầu về nhận nhiệm vụ, ông Biên đã tập trung giải quyết nhiều vụ việc vi phạm về đất đai; yêu cầu tất cả cán bộ, công chức phải thay đổi lối làm việc, chấm dứt chuyện ngồi uống trà, hút thuốc trong giờ hành chính, thực hiện đi báo cáo, về báo công. Từng đồng chí trong cấp ủy, mỗi cán bộ, công chức phải xây dựng kế hoạch công việc theo tuần trên cơ sở nhiệm vụ được giao.

Từ khi về địa phương, ông Biên dành ngày thứ 3 hằng tuần để tiếp công dân là việc chưa từng có trong tiền lệ. Ông giữ mối liên hệ chặt chẽ với bí thư chi bộ, trưởng các thôn, thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình nhân dân. Chỉ trong 2 tháng nắm quyền tại địa phương, ông Biên đã giải quyết 11 vụ việc do nhân dân kiến nghị (đạt 100%). Tình trạng vi phạm đất đai cơ bản được ngăn chặn, không có trường hợp phát sinh mới. 


Ông Phạm Hải Hà, Bí thư Đảng ủy xã Đức Xương (bên trái) cùng cán bộ địa phương khảo sát các tuyến đường giao thông trên địa bàn để chuẩn bị xây dựng nông thôn mới nâng cao

Phù hợp tình hình thực tế

Từ năm 2015 đến nay, Gia Lộc đã luân chuyển 8 cán bộ công tác tại huyện về giữ các chức vụ chủ chốt ở 5 xã là Quang Minh, Đức Xương, Nhật Tân, Hồng Hưng, Gia Lương và thị trấn Gia Lộc. Ông Vũ Văn Cấp, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy khẳng định công tác luân chuyển cán bộ từ huyện về xã được thực hiện chặt chẽ theo quy định. Việc này được tính toán kỹ lưỡng nhằm đạt mục tiêu kép là tạo môi trường rèn luyện, trưởng thành cho cán bộ, vừa tăng cường cho cơ sở nguồn lực chất lượng để giải quyết được nhiều việc khó.

Ví dụ như năm 2016, đồng chí Nguyễn Chính Thống, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện được luân chuyển về làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc. Kết quả là thị trấn đã giải quyết được nhiều việc khó liên quan đến giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà văn hóa các khu dân cư, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, xử lý rác thải...

Nhiều cán bộ được huyện Gia Lộc luân chuyển về cơ sở cho biết việc phải tham gia giải quyết những vấn đề nổi cộm, khó khăn giúp họ trưởng thành, bản lĩnh hơn trong công tác. Phần đông nhân dân đều tin tưởng, kỳ vọng vào những cán bộ được huyện luân chuyển về giữ các chức vụ chủ chốt tại cơ sở. "Đây là tiền đề để huyện tiếp tục triển khai chủ trương này trong giai đoạn tiếp theo. Căn cứ vào những đánh giá từ cơ sở, chúng tôi sẽ có hướng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng linh hoạt cán bộ, bảo đảm phát huy hiệu quả", ông Cấp thông tin.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả kép trong luân chuyển cán bộ ở Gia Lộc