Lá cờ hồn của non sông

02/09/2019 10:59

Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của Tổ quốc Việt Nam trong thời đại cách mạng, dân ta quen gọi là Quốc kỳ. Quốc kỳ cho đến nay đã có 78 năm lịch sử.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Lũng Cú (Hà Giang)

Hôm nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, ở cái thời khắc tinh khôi nhất của một ngày, giữa không gian trong lành và êm ả, kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam phát hình buổi lễ chào cờ được cử hành tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội). Ba chiến sĩ quân đội mang cờ bước lên giữa hai hàng quân danh dự. Tất cả đều đồng phục trắng oai nghiêm và trang trọng tiến hành nghi lễ thượng cờ. Tiếng Quốc ca vang lên hùng tráng. Lá cờ đỏ sao vàng tươi rói tung bay trong gió sớm dưới bầu trời bình yên. Cờ như vẫy gọi bình minh, vẫy gọi nhân dân Thủ đô và cả nước, khích lệ, reo vui, cổ vũ mọi người bước vào một ngày mới với bao hy vọng thành công. Lá cờ, hồn thiêng của sông núi mang đến cho dân tộc ta một sức mạnh, một cảm hứng, một niềm tin không gì lay chuyển được.

Lá cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của Tổ quốc Việt Nam trong thời đại cách mạng, dân ta quen gọi là Quốc kỳ. Quốc kỳ cho đến nay đã có 78 năm lịch sử. Nhưng nếu tính từ lúc phôi thai thì còn lâu hơn. Ấy là vào tháng 7.1940, cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ quyết định giao cho người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến quê huyện Duy Tiên (Hà Nam) vẽ mẫu cờ Tổ quốc. Từ khi được giao nhiệm vụ, người họa sĩ, chiến sĩ đã từng bị Pháp cầm tù tại Côn Đảo, người đã hai lần vượt ngục (và sau này là liệt sĩ) luôn luôn trăn trở nghĩ suy. Cảm hứng để ông vẽ mẫu Quốc kỳ không phải tìm ở đâu xa mà chính là lấy ở những năm tháng đấu tranh chống Pháp với những tù đầy, tra khảo, đau thương của bản thân ông và sự hy sinh của đồng bào, đồng chí mà ông từng chứng kiến. Lá cờ đỏ sao vàng bằng vải lần đầu tiên tung bay trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23.11.1940 trước sự vui mừng, tin tưởng của chiến sĩ ta và sự tức giận của thực dân Pháp. Gần 1 năm sau, vào tháng 5.1941, Hội nghị Trung ương 8 đã quyết định lấy cờ đỏ sao vàng là cờ của Tổ quốc. Vậy là sinh ra từ đấu tranh cách mạng, ngay ngày đầu đã được tôi luyện trong cuộc khởi nghĩa, cờ đỏ sao vàng đã thành Quốc kỳ của dân tộc Việt Nam.

Cờ Tổ quốc cũng giản dị như con người đất Việt. Trong muôn vàn hình của thực tế, ông Tiến chọn hình chữ nhật, tỷ lệ chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. "Chữ nhật" theo nghĩa Hán là ban ngày, là ánh sáng. Có phải người họa sĩ muốn gửi vào lá cờ một thông điệp: Cờ Tổ quốc là cờ của quang minh chính đại, mang ánh dương đến cho mọi miền, xua đi những tăm tối của đêm dài nô lệ? Lá cờ cũng chỉ có hai màu. Màu đỏ làm nền chiếm hết diện tích cờ. Màu đỏ là màu của máu, màu của ánh mặt trời, màu của sự mạnh mẽ. Cách mạng chọn màu đỏ tượng trưng cho chiến đấu và chiến thắng. Giữa là ngôi sao màu vàng có 5 cánh. Vị trí ngôi sao ở giữa cờ. Màu vàng là màu của da người Việt, là màu của đồng lúa chín, gợi sự ấm no. Năm cánh sao tượng trưng cho năm thành phần xã hội sĩ, nông, công, thương, binh được quy chụm lại chặt chẽ, không hề tách biệt. Năm cánh sao còn tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Có ngũ hành mới có Trái Đất này và có các thành phần xã hội như nêu ở trên mới thành dân tộc. Có máu đỏ da vàng mới thành người Việt. Có đấu tranh, có hy sinh mới có tự do, độc lập. Ý nghĩa của Quốc kỳ quả là rộng lớn và sâu sắc.

Những ngày chưa giành được chính quyền, ở những vùng hoạt động bí mật, cờ Tổ quốc ẩn trong hang sâu, rừng rậm, trong các hầm kín, trong trái tim hàng ngàn cán bộ để thắp sáng niềm tin vào cách mạng, để giữ vững ý chí chiến đấu. Người ta giấu mẩu gạch non để vẽ lên vách nhà tù thực dân cờ đỏ sao vàng. Người ta đứng nghiêm trang trong nhà lao để chào lá Quốc kỳ trong tưởng tượng. Có chiến sĩ quấn cờ Tổ quốc quanh thân, chọn cái chết chứ không xé cờ theo yêu cầu của quân giặc.

Đến ngày 19.8.1945, cả nước như vỡ òa niềm vui với một rừng cờ đỏ sao vàng. Cờ vải, cờ giấy, cờ to, cờ nhỏ... thành rừng bạt ngàn chào đón chính quyền cách mạng ở mọi nơi, mọi cấp. Cờ dẫn đầu đoàn công nhân, nông dân đi giành chính quyền, đi phá kho thóc của Pháp, Nhật để cứu đói cho đồng bào. Cờ vẫy gọi mọi người đi mít tinh. Cờ thúc giục nhân dân Hà Nội về vườn hoa Ba Đình nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9. Từ đấy Quốc kỳ của ta ngạo nghễ tung bay giữa thanh thiên bạch nhật.

Kháng chiến bùng nổ, lá cờ đỏ sao vàng vẫy gọi nhân dân các làng bản, phường phố đứng lên phá tề trừ gian, giành quyền tự do. Cờ dẫn đầu các đoàn quân đánh bốt, diệt đồn trừ bọn xâm lược và tay sai. Nơi nào cờ đỏ sao vàng mọc lên, ấy là nơi chiến thắng. Hồn thiêng sông núi mang đến cuộc sống mới cho mọi người. Lá cờ Tổ quốc mang dòng chữ "Quyết chiến quyết thắng" tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát ngày 7.5.1954 như mặt trời đỏ báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng về ta, kết thúc 9 năm kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ. Đối lại là tướng tá với hàng vạn quân Pháp lũ lượt giơ tay đầu hàng. Rồi ít ngày sau, ở hàng vạn bốt đồn của thực dân xâm lược khắp từ Bắc chí Nam, quân giặc buông súng. Lá cờ ba gạch của chúng hạ xuống, cuốn lại cùng đoàn quân bại trận cúi mặt lủi thủi rút đi.

Từ năm 1954, đất nước bước vào giai đoạn tạm thời chia làm hai miền. Miền Bắc dưới chính thể cách mạng do Bác Hồ lãnh đạo và thành mục tiêu cho miền Nam hướng tới. Lá cờ đỏ sao vàng được chúng ta giương cao ở cột cờ Hiền Lương ngay đầu cầu bên bờ Bắc. Mới đầu cột cờ của ta cao 12 m, lá cờ rộng 24 m2. Bà con bờ Nam ngày ngày trông theo ngọn cờ đỏ sao vàng. Bọn Mỹ ngụy tức tối không làm gì được. Chúng dựng cột cờ cao 25 m, treo lá cờ tới 96 m2. Một cuộc "đấu" cờ diễn ra. Ta nâng cột lên 32 m với lá cờ 108 m2 thì chúng nâng cột bên bờ Nam lên 35 m. Không chịu thua quân giặc, năm 1962, ta nâng cột lên 38,6 m với lá cờ rộng 134 m2 ở vị trí cách đầu cầu 50 m. Đến mức này thì chúng chịu. Thế là cờ của ta như mặt trời đỏ ngày ngày tung bay ngạo nghễ trong gió. Cờ thành hồn thiêng của núi sông luôn luôn vẫy gọi miền Nam, thúc giục bà con đấu tranh chống Mỹ, ngụy.

Đến năm 1967, Mỹ dùng máy bay ném bom cùng pháo địch bên bờ Nam bắn sang phá hủy cột cờ của ta. Đáp lại chúng, đặc công quân giải phóng dùng bộc phá đánh sập cột cờ của Mỹ, ngụy. Ngày 3.8.1967, đồn công an Hiền Lương lại tiếp tục dựng lên cột cờ bằng gỗ. Từ đấy, cuộc chiến đấu bảo vệ cờ diễn ra quyết liệt. Riêng năm 1967, ta phải 11 lần thay cột và 42 lần thay cờ. Tính đến năm 1976, riêng đồn công an Hiền Lương đã chiến đấu trên 300 trận. Bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ ngọn cờ, bảo vệ hồn thiêng sông núi. 

Đất nước đã thống nhất. Ngọn cờ đỏ sao vàng hồn thiêng sông núi vẫn tung bay nhắc nhở toàn dân tộc về bảo toàn lãnh thổ. Cờ tung bay từ Bắc chí Nam, trong các xóm thôn phường phố, nơi công sở, trường học, trên các tàu thuyền ra khơi, trên các hải đảo của Tổ quốc, trên các nhà giàn... Trên dải đất hình chữ S của chúng ta, có bốn địa điểm lớn, có ý nghĩa tượng trưng, không lúc nào vắng bóng cờ. Đó là Mũi Cà Mau, Phu Văn Lâu cổ kính ở Huế, Cột cờ Hà Nội và Lũng Cú (Hà Giang). Rồi lá cờ của ta được treo ở trụ sở Liên hợp quốc, ở các đại sứ quán của ta ở khắp năm châu...

Lá cờ đỏ sao vàng, hồn thiêng của non sông luôn che chở cho dân tộc trên mọi bước đường đi tới.

Tùy bút của DUY VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá cờ hồn của non sông