Lĩnh vực trọng yếu xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng

30/07/2019 11:04

Trong suốt các thời kỳ cách mạng, công tác tuyên giáo luôn được Đảng xác định là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, nền tảng chính trị của chế độ...


Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

89 năm qua, tuy tên gọi, cơ cấu tổ chức, bộ máy, có những thay đổi phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục của ngành tuyên giáo là thống nhất và xuyên suốt.


Lĩnh vực trọng yếu xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng

Cách đây 89 năm, tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1-8” do “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành” đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa tranh đấu, góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

Căn cứ vào mốc son lịch sử này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 1.8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tư tưởng-Văn hoá của Đảng.

Năm 2007, sau khi Ban Khoa giáo Trung ương và Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1.8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo.

Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc. Đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời và trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Trải qua lịch sử 89 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau (Ban Cổ động và Tuyên truyền, Bộ Cổ động và Tuyên truyền, giai đoạn 1930-1945; Ban Tuyên truyền và Giáo dục Trung ương, năm 1950; Ban Tuyên huấn Trung ương, năm 1951; Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 1959... và hiện nay là Ban Tuyên giáo Trung ương, từ năm 2007) và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Những chặng đường lịch sử

Truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo khởi đầu từ thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Điểm nổi bật của công tác tuyên giáo thời kỳ này là thắng lợi của công tác giác ngộ, giáo dục, động viên, tập hợp lực lượng, rèn luyện và tổ chức các phong trào quần chúng, biến lý tưởng và tư tưởng cách mạng thành sức mạnh.

Trong hoàn cảnh bị kẻ địch đàn áp, khủng bố tàn khốc, điều kiện hoạt động hết sức gian khổ, hiểm nguy, thường xuyên phải đối phó với sự vây ráp của kẻ địch, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, Trung ương Đảng, đội ngũ những chiến sĩ làm công tác tuyên giáo đã nêu cao phẩm chất và khí tiết người cộng sản, sẵn sàng hy sinh tính mạng, không sợ tù đầy tra tấn, bám sát phong trào cách mạng để tuyên truyền, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc; góp phần quan trọng thúc đẩy cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh công khai đòi quyền dân sinh, dân chủ; cao trào chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và phe Đồng minh...

Thông qua báo chí, tài liệu bí mật, các lớp huấn luyện và hàng nghìn cuộc mít tinh, biểu tình... đội ngũ cán bộ tuyên giáo tuyên truyền, cổ vũ các cao trào cách mạng, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tiếp đến, cách mạng mới thành công, chính quyền còn non trẻ giữa vòng vây thù trong, giặc ngoài, nạn đói diễn ra gay gắt, ngân sách cạn kiệt, Đảng phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật... Trong hoàn cảnh vận nước ngàn cân treo sợi tóc, đội quân làm công tác tuyên giáo tập hợp dưới lá cờ của Đảng, đứng đầu là nhà tư tưởng kiệt xuất Hồ Chí Minh, đã hăng hái tuyên truyền vận động nhân dân, bảo vệ chính quyền mới và tích cực chuẩn bị kháng chiến cứu nước.

Công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu, góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh của nhân tố con người Việt Nam; tập hợp lực lượng, khơi dậy ý chí, tri thức và sức mạnh trong quần chúng, đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của cuộc kháng chiến. Sức mạnh tổng hợp to lớn đã được minh chứng bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng miền Bắc, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam (năm 1954).

Sau năm 1954, công tác tuyên giáo đóng vai trò trọng yếu trong việc phát động và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước ở cả hai miền, với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là những phong trào, với những khẩu hiệu rung động lòng người. Ở miền Bắc, có các phong trào thi đua, với những khẩu hiệu: “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba Nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Hai tốt”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”…

Ở miền Nam có các phong trào: “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Một tấc không đi, một li không rời”, “Năm xung phong”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy”, “Xuống đường đòi tự do, dân chủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”... Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã được chuyển hoá bằng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước ngày nay, công tác tuyên giáo của Đảng đã tiếp tục phát huy, làm tốt vai trò trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Đã cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần hình thành hệ thống các luận điểm mới trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giáo dục, tuyên truyền có hiệu quả chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; tham mưu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần phát triển lý luận về con người, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển; phản bác kịp thời những luận điệu xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước ngày nay, công tác tuyên giáo của Đảng tiếp tục phát huy, làm tốt vai trò trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Với phương châm, "Tuyên giáo đi trước, đi cùng", "hướng mạnh về cơ sở", "toàn Ðảng làm công tác tư tưởng", ngành tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, góp phần tạo sự thống nhất trong Ðảng và sự đồng thuận trong xã hội; tạo nên động lực tinh thần mới, góp phần cùng với đất nước hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội. Qua đó, niềm tin của nhân dân đối với Ðảng từng bước được củng cố, nâng cao; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

Thông qua hoạt động tuyên giáo, nhiều vấn đề khó khăn, thách thức liên quan đến chiến lược quốc gia như: đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động; khoảng cách giàu nghèo; chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường; an toàn thực phẩm; năng lực cạnh tranh quốc gia, trình độ khoa học công nghệ; những vấn đề nảy sinh bất ngờ gây rủi ro, thiệt hại trực tiếp đến đời sống của nhân dân, như: thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu, biến đổi môi trường; các vấn đề quốc tế và khu vực liên quan đến dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc; những vấn đề hạn chế trong công tác cán bộ, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội... từng bước được hóa giải, đồng thời giải đáp nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận cầm quyền của Ðảng trong điều kiện mới…

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Lĩnh vực trọng yếu xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng