"Lòng trong" và "Bút sắc"

20/06/2020 21:00

 Khó có thể tìm được từ nào ngắn gọn và chính xác hơn khi nói về phẩm chất đáng quý của người làm báo, đó là "lòng trong" và "bút sắc".

Người làm báo phải dấn thân. Trong ảnh: Phóng viên Báo Hải Dương tác nghiệp tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện, nơi điều trị bệnh nhân Covid - 19 số 73

Đây là một nghề đặc biệt, ở đó không những thể hiện tài năng mà còn biểu lộ đạo đức nghề nghiệp. "Lòng trong" như là một tiền đề đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho một quá trình tôi luyện thử thách. Đó cũng chính là “đức” trong câu nói của Bác Hồ “có đức, có tài” hay là màu hồng trong “hồng và chuyên”. "Bút sắc" không chỉ là sắc bén nhanh nhạy mà còn có khả năng phát hiện các vấn đề của cuộc sống. "Bút sắc" còn thể hiện ở các bài báo có thể chuyển tải những thông tin cần thiết có sức thuyết phục cao đối với bạn đọc. "Bút sắc" là kết quả của một quá trình học hỏi từ khi được đào tạo bài bản ở nhà trường đến sự rèn luyện kinh nghiệm trong thực tế để tạo ra một phong cách riêng cho mình, thể hiện dấu ấn cá nhân rất rõ trong từng bài báo, từng vấn đề cụ thể. "Bút sắc" còn là sự sắc bén, không ngại đi sâu vào các vấn đề phức tạp của xã hội, không bẻ cong ngòi bút, đi đến tận cùng sự thật. "Bút sắc" như một thứ vũ khí độc lập dồn vào đó bao tâm huyết, tài năng để thể hiện lập trường tư tưởng nghề nghiệp làm báo của mình…

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng. Năm 1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Người đã căn dặn: “Đối tượng của tờ báo là đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo". Nhiều lần Bác nhắc lại: “Viết cho ai xem, nói cho ai nghe”. Ở đây Bác đã kết hợp hài hòa giữa “lòng trong" và "bút sắc” Người từng nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng vẽ nên hình ảnh sống động của Bác Hồ: “Người ngồi đó, với cây chì đỏ/ Vạch đường đi, từng bước, từng giờ”. Đó không chỉ là đường hướng chiến lược mà đôi khi là những bài báo ngắn hay những bài viết chính luận hào sảng đậm chất báo chí nhưng cũng rất nhân văn. Nhiều lãnh đạo Đảng ta đã từng là những nhà báo xuất sắc và sau này rất quan tâm đến các hoạt động của báo chí như các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... Trong lịch sử văn học Việt Nam nhiều nhà văn, nhà thơ đã ngã xuống ở chiến trường trong tư cách là một nhà báo. Nơi chiến trường, cây bút của họ cũng chính là cây súng. Có những thước phim tư liệu rất quý quay ở chiến trường mà tác giả đã nằm lại vĩnh viễn nơi đó. 

Trên mọi miền đất nước hôm nay luôn có bóng dáng của những người làm báo với đủ các loại hình từ báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử với các phương tiện, kỹ thuật tiên tiến. Nhưng để làm nên những bài báo hay, có sức lay động đến đông đảo bạn đọc vẫn phải xuất phát từ trái tim và khối óc không ngừng học hỏi, sáng tạo của người làm báo. Tấm thẻ nhà báo nhỏ gọn, có hai đường vạch song song chéo một góc gợi cho tôi một cảm giác đó như là một dấu bằng quy tụ lại niềm vinh quang và trách nhiệm. Chứng chỉ nghề nghiệp đặc biệt ấy không chỉ ghi nhận mà cao hơn là sự chứng thực cho một nhà báo với đầy đủ quyền hạn và thực thi quyền hạn. Tác phẩm báo chí chính là phiên bản của cuộc đời nhà báo. 

Trong cuộc chiến tranh vĩ đại chống phát xít Đức, nhà thơ Simonop, tác giả bài thơ “Đợi anh về” nổi tiếng cũng là một người lính - nhà báo ở chiến hào. Các chiến sĩ hồng quân coi những bài báo của ông có sức mạnh ngang với một đại đội, tiểu đoàn chiến đấu. Nhà báo Thép Mới cũng đã từng làm say đắm lòng người không chỉ bài tùy bút “Cây tre” mà còn bao bài báo khác. Những cái tên trong làng báo như Hữu Thọ, Phan Quang… luôn là niềm tự hào của các thế hệ làm báo hôm nay.  

Nhà thơ Sóng Hồng (tức Trường Chinh) đã từng có hai câu thơ nổi tiếng “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền". Trước đó là nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Cán bút ấy, ngòi bút ấy chính là vũ khí sắc bén của người làm báo khi mang trong mình cái “đạo”, đó là đạo đức, phong cách của người làm báo: “Lòng trong" và "bút sắc”.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

(0) Bình luận
"Lòng trong" và "Bút sắc"