Người cán bộ tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân

02/11/2019 09:58

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Ðảng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo tận tụy, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, với cơ sở, sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Người cán bộ tận tụy

Sinh ra trên vùng quê nghèo miền núi đông bắc Tổ quốc (thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), người thanh niên Hoàng Văn Thụ sớm bất bình trước những cảnh áp bức, bất công mà đồng bào mình đang phải chịu đựng. Những tình cảm đó nhen nhóm dần trong anh ý thức về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước. Dù gia đình có đủ điều kiện cho anh theo học cao hơn nhưng Hoàng Văn Thụ đã sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, hăng hái lên đường hoạt động cách mạng với tất cả ý chí, nghị lực và bầu nhiệt huyết yêu nước của mình.

Năm 1933, được đồng chí Lê Hồng Phong trực tiếp bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin, Hoàng Văn Thụ đã giác ngộ lý tưởng cộng sản và chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí đã tích cực hoạt động, vận động quần chúng, góp nhiều công sức gây dựng cơ sở và phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, Võ Nhai, mỏ than Phấn Mễ và nhiều địa phương khác thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên...

Với tác phong sâu sát phong trào, sáng tạo và linh hoạt vận động quần chúng, nhất là kinh nghiệm hoạt động trong công nhân, tháng 6.1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Xứ ủy và được cử ra lãnh đạo phong trào ở vùng mỏ Quảng Ninh.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa đàn áp, bắt bớ những người cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương, nhạy bén và chủ động chuyển hướng hoạt động của Đảng từ công khai và bán công khai sang bí mật. Nhờ sự nhạy bén đó, các tổ chức Đảng đã tránh được nhiều tổn thất.

Tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng (tháng 9.1939), đồng chí được Trung ương phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Và từ đó, dấu chân đồng chí đã in trên khắp vùng Việt Bắc trong những năm tháng cách mạng còn gặp nhiều khó khăn.

Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị Xứ ủy lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy. Đảm nhận vai trò chủ bút, đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ với bí danh là Lý. Những bài viết, dịch của đồng chí về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật đầy hiệu quả do đồng chí xây dựng đã giúp cho Đảng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.

Ðồng chí cũng có vai trò quan trọng trong việc đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội để đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5.1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương, được cử phụ trách công vận và binh vận.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào đi lên, lan rộng trong công nhân và lôi kéo cả một bộ phận tiểu thương tham gia ủng hộ. Tổ chức Công nhân cứu quốc được phát triển trong các nhà máy như Avia, S.T.A.I, các xưởng hỏa xa Gia Lâm và Đông Anh...

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, các cơ sở cách mạng được gây dựng và phát triển rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh về cả chính trị và vũ trang, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945.

Người đồng chí được yêu mến và cảm phục

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người cộng sản gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất khi phong trào cách mạng yêu cầu. Đồng chí cũng là một người chân thành, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, có tác phong chan hòa, gần gũi với mọi người, có khả năng tập hợp, đoàn kết, được quần chúng yêu mến và đồng chí cảm phục.

Những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, kẻ địch khủng bố gắt gao, Xứ ủy phải nhiều lần chuyển địa điểm, từ Vạn Phúc, Đại Mỗ, Thượng Cát (Hà Đông) đến Yên Mỹ (Thuận Thành, Bắc Ninh)... Nhiều khi không liên lạc được với cơ sở, đồng chí phải ngủ ngoài rộng ngô, nhưng đồng chí vẫn vững tin vào quần chúng cách mạng.

Đồng chí nói: “Quân địch cố nhiên không để ta yên. Nhưng quần chúng nhất định không xa rời cách mạng. Chỉ sợ quần chúng xa ta. Quân địch không có quần chúng ủng hộ. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ chắp được mối, lúc đó quần chúng lại che chở cho ta, và phong trào lại lên…”.

Với các cơ sở cách mạng, đồng chí luôn hòa mình vào cuộc sống bình dị hằng ngày của đồng bào. Ở mỏ Hà Lầm (Hòn Gai), với tên mới là Vân, đồng chí trực tiếp lao động như một công nhân thực thụ. Thái độ khiêm tốn, chân thành, lối sống giản dị, chan hòa của đồng chí được anh em công nhân rất yêu mến và gần gũi. Mỗi khi đi công tác về đồng chí đều không quên có quà cho người già, trẻ nhỏ. Mỗi khi có người đau ốm, đồng chí thường dành thời gian tới thăm hỏi, động viên.

Anh Lý - bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thụ - luôn luôn được mọi người quý mến. Đi đến đâu, “anh Lý” cũng được dân thương, dân đùm bọc, nuôi giấu. Nhiều năm sau khi “anh Lý” hy sinh, đồng bào còn giữ nguyên những tình cảm yêu quý như khi anh còn sống.

Có thể khẳng định cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn với Ðảng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; luôn đặt lợi ích của Ðảng, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết. Ðồng chí để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý thức tự phê bình và phê bình trong Ðảng, tình thân ái, thương yêu đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Trong bài “Ðạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập tháng 12.1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Trong Ðảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Ðảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập".

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người cán bộ tận tụy, hết lòng vì nước, vì dân