Nhiệm kỳ đổi mới và đột phá về công tác quy hoạch

22/09/2020 07:00

Nếu xác định tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong 15 năm nữa thì từ bây giờ phải chuẩn bị xây dựng hệ thống đô thị trung tâm (lõi đô thị) là TP Hải Dương...


Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi cơ bản đồng tình với nội dung đánh giá kết quả đạt được nhiệm kỳ qua và phương hướng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch, đẩy mạnh phát triển đô thị trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, tỉnh đã hoàn thành nâng cấp 3 đô thị lớn. Đây là kết quả của mấy nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ XVI. Chúng ta cần đánh giá cao sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc này và cũng cần rút kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn trong những nhiệm kỳ tới. Tỉnh ta đã tiến hành tách nhập, điều chỉnh và quy hoạch, mở rộng một số đơn vị hành chính cấp xã để đủ điều kiện nâng cấp 3 đô thị và sáp nhập 53 xã, thị trấn để thu lại còn 24 đơn vị. Sắp tới chúng ta dự kiến đến năm2025 xây dựng 2 huyện Bình Giang, Nam Sách lên đô thị loạiIV; đến năm 2030 nâng cấp 5 huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Miện, Kim Thành, Ninh Giang lên đô thị loại IV. Như vậy, đến năm 2035 tỉnh ta sẽ có 10 đô thị/12 đơn vị hành chính cấp huyện, tỷ lệ đô thị chiếm trên 80% và tỉnh ta sẽ có đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cách đặt vấn đề như vậy là rất có cơ sở và khả năng hiện thực, phù hợp với xu thế mới.

Muốn đạt được những điều trên, giải pháp thực hiện cần được quan tâm hàng đầu là phải có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chi tiết xây dựng. Trước mắt, phải làm quy hoạch ngay 2 huyện Bình Giang và Nam Sách thành thị xã và chuẩn bị cho 5 huyện Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Miện, Kim Thành, Ninh Giang là thị xã, Kinh Môn lên đô thị loại III và Chí Linh lên đô thị loại II; điều chỉnh quy hoạch TP Hải Dương là đô thị trung tâm và chuẩn bị quy hoạch chung toàn tỉnh theo định hướng đô thị trực thuộc Trung ương. Đối với 24 xã, thị trấn mới sáp nhập cũng rất cần phải có quy hoạch để quản lý, đầu tư và phát triển. Cần quan tâm hơn 4 thị trấn được nhập thêm để mở rộng là Cẩm Giang, thị trấn Gia Lộc, thị trấn Thanh Miện và thị trấn Kẻ Sặt và có tới 5 xã được sáp nhập từ 3 xã thành 1. Các địa phương này vừa mới sáp nhập xong thì tập trung chuẩn bị Đại hội Đảng bộ nên vấn đề điều chỉnh, lập quy hoạch mới, điều chỉnh quỹ đất, cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, giải quyết dư thừa trụ sở, trường học... chưa được nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời. Các địa phương này cần có quy hoạch để quản lý và phát triển. Như vậy có thể thấy nhiệm kỳ tới sẽ là nhiệm kỳ đổi mới và đột phá về công tác quy hoạch. Xu thế hình thành các chuỗi đô thị mở tiến tới đưa Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Việc này đòi hỏi mất thời gian nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều địa phương nên có thể đưa vào thành một chương trình với tên gọi "Chương trình quy hoạch và phát triển chuỗi đô thị đưa tỉnh Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035".

Nếu xác định tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong 15 năm nữa thì từ bây giờ phải chuẩn bị xây dựng hệ thống đô thị trung tâm (lõi đô thị) là TP Hải Dương, phải phát triển các đô thị vệ tinh và đô thị cộng lực như Chí Linh, Kinh Môn, Gia Lộc, Nam Sách, Cẩm Giàng, nâng cấp các huyện còn lại lên đô thị và xây dựng một tỉnh nông nghiệp thành một đô thị công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, khoa học với kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại. Những bước đi của nhiệm kỳ này và 2 nhiệm kỳ tiếp theo làm gì để đạt được điểm đến là huy động nguồn lực; xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên; phân công phát triển các vùng trong tỉnh để có sự phối hợp, giải quyết đồng bộ các mục tiêu quy hoạch đặt ra trong 10 năm tới. Song song với chương trình quy hoạch và xây dựng chuỗi đô thị cũng cần có một chương trình nữa là "Chương trình phát triển đô thị thông minh" bởi đô thị tương lai sẽ là các đô thị thông minh của thời đại 4.0 và sau 4.0. Công việc này đòi hỏi các cấp, các ngành và các địa phương từng bước tiếp cận, nghiên cứu đầu tư, xây dựng, song song với quá trình nâng cấp đô thị. Chương trình này sẽ được phân kỳ, phân công theo thời gian để các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện dần các nội dung phát triển như năng lượng thông minh, kinh tế thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, thông tin viễn thông thông minh, đào tạo, học tập thông minh để có con người thông minh...

Tiến sĩ NGUYỄN TIẾN HÓA
Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiệm kỳ đổi mới và đột phá về công tác quy hoạch