Nhớ mãi đồng chí Lê Thanh Nghị

24/04/2021 19:02

Báo điện tử Hải Dương trân trọng trích đăng các bài nghiên cứu, tham luận về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Thanh Nghị tại hội thảo khoa học tổ chức sáng 24.4.

Anh Lê Thanh Nghị - Nhà cách mạng tiền bối xuất sắc

Năm tháng không làm nhạt nhòa mà còn tô đậm thêm hình ảnh con người đã trọn một cuộc đời gắn bó với cách mạng, với Đảng thân yêu. Anh Lê Thanh Nghị là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, người đã dìu dắt nhiều lớp đàn em đi vào con đường cách mạng, cùng anh đi trên một con đường đầy bão tố và sống động hơn nửa thế kỷ.

Là lớp đảng viên cán bộ đàn em của anh Lê Thanh Nghị và so với nhiều đồng chí khác, tôi cũng không có điều kiện liên tục làm việc với anh, nhưng ngay từ buổi đầu được gặp anh khi còn là một thiếu niên học sinh và những năm tháng sau này được làm việc với anh, hình ảnh của anh đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng và phong cách lãnh đạo của anh luôn luôn là tấm gương sáng đối với tôi. Tôi thấy ở anh là con người mẫu mực bình dị, hiền từ, trầm tĩnh. Khi phát biểu ý kiến, anh không nói dài như nhiều đồng chí khác, nhưng nghe ngóng tìm hiểu, suy nghĩ rồi đưa ra những ý kiến, suy nghĩ của riêng mình. Khi nói, anh chậm rãi, giản dị, thiết thực và rất cụ thể. Anh Nghị có phong cách, tranh luận sôi nổi, nhưng biết lắng nghe những ý kiến khác nhau, suy ngẫm về sự khác nhau, tìm hiểu thực tiễn để có lập trường đúng đắn của riêng mình.

Trước những tình huống khó khăn, phức tạp, là một cán bộ lãnh đạo cấp cao anh đã quyết tâm vượt qua khó khăn, xuống cơ sở, bám sát thực tế để hình thành tư tưởng chỉ đạo, đề ra chủ trương phương sách sát hợp, đúng đắn. Anh chú trọng khơi gợi, lắng nghe những ý kiến khác nhau và mạnh dạn quyết đoán những chủ trương lớn để chuyển khó khăn thành thắng lợi. Trên cương vị lãnh đạo trong nhiều công việc lớn mà Đảng và nhân dân giao phó, anh thực sự được đồng chí, quần chúng, bạn bè yêu mến và tin tưởng.

Đồng chí VŨ OANH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Kỷ niệm không bao giờ quên

Khi ngồi vào bàn đối diện với tôi, anh Lê Thanh Nghị tự rót nước cho tôi và nhẹ nhàng hỏi: (Không gọi tôi là “đồng chí” và gọi bằng tên) “Cầm gặp tôi có việc gì cứ nói, dài, ngắn không sao, miễn là nói thật”. Lời nói và cử chỉ của anh làm tôi yên tâm, ngại ngần và lo lắng biến mất, tôi mạnh dạn và thực tâm trình bày nguyện vọng của mình và kết thúc bằng câu: “Cầm cảm ơn anh đã cho Cầm gặp. Cầm trình bày thành thực để xin anh cho Cầm được ở lại ngoại giao tiếp tục công việc mà Cầm đã quen và làm việc có hiệu quả do đã quen người, quen việc”.

Tưởng anh sẽ trả lời gay gắt; nhưng không, vẫn thái độ điềm tĩnh, anh nhẹ nhàng hỏi: “Khi Cầm đi với Anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng sang Liên Xô năm 1953-1954 xây dựng Đại sứ quán) Cầm đã biết gì về ngoại giao chưa và tiếng Nga mới học hơn một năm làm sao dịch được cho Đại sứ?”.

Tôi đã trình bày quyết tâm tự học cả tiếng Nga và ngoại giao vì lúc đó chưa biết ngoại giao là gì. Những khi sang dịch cho Anh Cả, tôi thường quan sát cả khi dự chiêu đãi lẫn lúc họp hành, quan sát xem chủ nhà đón khách ra sao, bày biện, sắp xếp chỗ ngồi như thế nào, các đại sứ gặp nhau thường trao đổi những vấn đề gì… Những điều tôi quan sát được tôi đều ghi lại xem là những điều cần biết đối với người làm ngoại giao.

Nghe tôi trình bày, anh khen tôi là người có “chí” và khuyên tôi duy trì “quyết tâm”, trong mọi việc lớn nhỏ có quyết tâm mới thành công. Rồi anh kể quá trình và giải thích lý do lựa chọn tôi và nhấn mạnh: nhiệm vụ của người đảng viên là phải vừa làm vừa học, khó mấy cũng phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không chịu học và từ chối nhiệm vụ thì không phải là đảng viên.

Trước thái độ thẳng thắn và chân thành của anh, tôi tự thấy mình đã sai lầm khi nêu nguyện vọng và vận động để ở lại Ngoại giao. Tôi hứa với anh không đặt vấn đề xin ở lại Ngoại giao nữa và xin chấp hành quyết định của anh và Ban Bí thư. Anh đứng dậy ôm tôi vào lòng.

Đồng chí NGUYỄN MẠNH CẦM

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ


Đồng chí Lê Thanh Nghị với việc xây dựng cơ sở cách mạng vùng Đông Bắc 

Tại vùng mỏ, từ cuối tháng 2.1930, đồng chí Lê Thanh Nghị đã tham gia vào Chi bộ mỏ Hòn Gai đầu tiên được thành lập. Đây là một trong những chi bộ Đảng Cộng sản sớm nhất trong cả nước. Đồng chí đã có những đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và phong trào cách mạng ở vùng Đông Bắc.

Trong 9 năm kháng chiến, đồng chí Lê Thanh Nghị đã cùng Ban Thường vụ Liên khu ủy 3 đoàn kết nhất trí, lãnh đạo quân dân liên khu đánh địch giành thắng lợi ở Nam Định, Ninh Bình, Hà Đông, Hà Nam, Hải Dương. Trong chiến dịch Quang Trung (từ ngày 28.5 đến 20.6.1951), quân dân Liên khu đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 6.344 tên địch, thu về 677 khẩu súng các loại và phá hủy 32 ô tô, 1 tàu chiến, 3 ca nô, 2 máy bay. Ngoài đánh địch, Đảng bộ liên khu đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách để thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua lao động sản xuất, tự lực cánh sinh, sản xuất tiết kiệm.

Với trọng trách một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng nhà nước, đi đến đâu đồng chí cũng căn dặn cán bộ, Đảng viên, công nhân và các tầng lớp nhân dân đoàn kết ra sức thi đua lao động sản xuất.

Đồng chí Lê Thanh Nghị là đại biểu Quốc hội của tỉnh Quảng Ninh các khóa II, III, IV, V, VI. Trong những năm là đại biểu Quốc hội, đồng chí đã giữ vững những chế độ tiếp xúc cử tri của người đại biểu, luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri để báo cáo với Quốc hội.

Ngoài các buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí còn dành thời gian về thăm nhân dân ở các xã, thăm công nhân ở các cơ sở kinh tế. Riêng ngày 17.11.1990, đồng chí đã về thăm nhà máy điện Cột 5 nơi ông đã có thời gian làm việc.

Công lao của đồng chí Lê Thanh Nghị đối với đất nước, vùng Đông Bắc nói chung, đối với Quảng Ninh nói riêng là rất đáng tự hào.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY QUẢNG NINH


Người gây dựng lại phong trào cách mạng Hải Dương thời kỳ 1937-1940


Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương tham luận tại hội thảo

Khi cách mạng Việt Nam có cơ hội hoạt động trở lại, để gây dựng và phát triển lại phong trào cách mạng tại tỉnh Hải Dương sau thời kỳ tạm thời lắng xuống, cuối năm 1937, đồng chí Lê Thanh Nghị được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ cử về Hải Dương đảm nhận nhiệm vụ gây dựng lại phong trào cách mạng.

Để che mắt kẻ thù và có điều kiện tiếp xúc với quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, đồng chí đã chọn khu vực huyện Ninh Giang để hoạt động- nơi có lực lượng công nhân khá đông, tập trung trong nhà máy nước Ninh Giang, nhà dây thép, bến cảng. Tại đây, đồng chí đã vận động, giác ngộ được nhiều công nhân và nhân dân các vùng lân cận tham gia vào các phong trào đấu tranh của Đoàn thanh niên dân chủ, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, mở tủ sách, mở lớp học văn hóa tuyên truyền đường lối của Đảng, đấu tranh đòi tự do, dân chủ... Qua hoạt động một số công nhân tiến bộ đã giác ngộ và trở thành hạt nhân phong trào cách mạng.

Không dừng lại ở địa bàn Ninh Giang, đồng chí Lê Thanh Nghị đã tìm hiểu, nắm tình hình chung trong tỉnh, trong đó tập trung vào phong trào cách mạng ở TP Hải Dương, Thanh Hà, Thanh Miện… Tại TP Hải Dương - trung tâm tỉnh lỵ, đồng chí đã tập trung tuyên truyền giác ngộ các tầng lớp nhân dân để vận động thành lập ra các tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Ái hữu, từ đó tập hợp lực lượng, giác ngộ tinh thần và nâng cao hiểu biết về sứ mệnh lịch sử của tầng lớp, giai cấp mình. Từ các tổ chức mới thành lập đã vận động thành viên mở cửa hiệu bán ảnh, báo của Đảng, tổ chức đọc các sách báo tiến bộ như: Đời nay, Dân chúng, Tia sáng, Thời thế… Thông qua đọc sách, báo, quần chúng đã hiểu được nỗi khổ cực của người lao động, hiểu được tình hình đấu tranh.

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương nhận thức sâu sắc vai trò, đóng góp của đồng chí Lê Thanh Nghị với cách mạng của tỉnh khi là một trong những đồng chí lãnh đạo tiền bối có công tuyên truyền, giáo dục, gây dựng, phát triển phong trào cách mạng quê hương. Tấm gương hoạt động cách mạng của đồng chí được Đảng bộ tỉnh lấy làm hình mẫu để tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước cách mạng, tinh thần tự học, tự rèn luyện và đức hy sinh cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Đồng chí NGUYỄN QUANG PHÚC

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

(0) Bình luận
Nhớ mãi đồng chí Lê Thanh Nghị