Nhớ mãi tờ báo cách mạng mang tên Giải Phóng

20/06/2021 05:01

Báo Giải Phóng số 1 ra đời ngày 20.12.1964 dưới tán rừng Tân Biên (Tây Ninh). Tuy tồn tại chỉ 12 năm nhưng tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra 375 số báo trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ và 412 số nhật báo Giải Phóng tại Sài Gòn…


Nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân, hàng đầu thứ ba từ trái sang)

Bắt đầu từ duyên phận…

Sau ngày giải phóng Sài Gòn 30.4.1975, bộ đội miền Bắc chiến đấu trong Nam lần lượt trở về quê hương nghỉ phép.

Anh hàng xóm nhà tôi cũng về dịp ấy. Trong ba lô của anh, ngoài những món quà, có cả mấy tờ báo Giải Phóng. Lần đầu nhìn thấy, tôi vừa lạ, vừa tò mò mượn đọc, mới thấy báo chí miền Nam gần gũi với đời sống. Báo chí miền Bắc thời điểm ấy không có đăng mục “Rao vặt”, nhưng trên báo Giải Phóng lại in nhiều, đại loại những mẩu tin thế này: “Cần bán một máy bơm nước nhỏ, ký hiệu... Sử dụng liền…”  Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ thử viết bài cho báo phương Nam.

Năm ấy, sẵn có bản thảo vừa đi trại sáng tác về đề tài “Thầy giáo và nhà trường”, tháng 7.1975 tôi gửi một bài bút ký "Cho những cánh chim bay xa”. Bài báo có nội dung miêu tả những nét đẹp ở trường mẫu giáo xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) và thấp thỏm đợi chờ…

Mừng quá, 4 tháng sau, tôi nhận được bức thư có ký tên đóng dấu, đề ngày 21.11.1975 của tòa soạn Báo Giải Phóng. Bức thư ký tên Tô Quyên, viết: "… Hiện nay bạn đọc miền Nam rất muốn được biết về miền Bắc XHCN qua các mẩu chuyện phản ánh mọi mặt cuộc sống đi lên của đồng bào miền Bắc ruột thịt. Loại bài viết về những con người mới, những nét đổi mới trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta dưới chế độ XHCN… rất có tác dụng thiết thực đối với việc tuyên truyền giáo dục, động viên cách mạng ở miền Nam…” .

Yên tâm, tôi viết và gửi mấy bài liền.


Bút tích Bác Hồ viết Lời tựa cuốn sách “Sống như anh”

Ngày ấy, Báo Giải Phóng đã có chế độ trả nhuận bút cho cộng tác viên, nhưng cả nước chưa có chung một loại tiền nên tòa soạn chưa trả được. Bởi thế phần tái bút, đồng chí Tô Quyên có viết thêm: "Tiền nhuận bút bài viết tòa soạn còn giữ vì chưa có điều kiện gửi theo bưu điện được… Đồng chí có thể ủy nhiệm người đến nhận thay”.

Tôi lại viết thư ủy nhiệm nhờ anh bộ đội hàng xóm đến tòa soạn lĩnh giúp. Lại phải mấy tháng sau, anh bạn mới về phép, mang về tấm biên lai (số 0000395 - VPGP/ngày 27.1.1976). Biên lai ghi thế này: "Kính gửi ông Khúc Hà Linh, xã Thái Học, Chí Linh, Hải Hưng. Chúng tôi gửi đến số tiền 20 đ (hai mươi đồng) nhuận bút, về bài ảnh: “Miền Nam qua dòng thơ xúc động” (10 đ) và “Mẫu giáo Kinh Môn” (10 đ). Xin chân thành cảm ơn và mong tiếp tục cộng tác với cơ quan báo chúng tôi”.

Tôi đã giữ tờ biên lai và bức thư của tòa soạn Báo Giải Phóng gần 45 năm làm kỷ niệm về thái độ ứng xử, một nét đẹp văn hóa của những người làm báo cách mạng. Mãi gần đây tôi mới hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, thật không ngờ được cơ quan mời về Hà Nội, dự cuộc hội ngộ tràn đầy cảm xúc.

Đó là sáng 18.12.2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp Báo Đại Đoàn Kết, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện trưng bày và ra mắt phim "Giải Phóng - Tờ báo trên tuyến lửa". Đây cũng là dịp kỷ niệm 56 năm Báo Giải Phóng ra số đầu tiên (20.12.1964 - 20.12.2020).


Tờ biên lai trả nhuận bút của Báo Giải Phóng

... tới câu chuyện tác giả “Sống như anh"

Tại hội nghị này, tôi được gặp và trò chuyện với tác giả cuốn sách “Sống như anh” từng nổi tiếng một thời. Đó là nhà báo Thái Duy, tức Trần Đình Vân.

Ông sinh năm 1926, tại Bắc Giang, làm báo Cứu Quốc từ năm 1948, rồi vào Nam làm báo Giải Phóng, lại trở ra Hà Nội viết báo Đại Đoàn Kết.

Trong cuộc đời, có nhiều người làm nhiều nghề, đảm nhiệm nhiều chức vụ, còn ông chỉ có một nghề làm báo Mặt trận. Tính ra 70 năm cầm bút, chức vụ chỉ hai chữ phóng viên. Thế nhưng phóng viên Thái Duy được xã hội và đồng nghiệp kính trọng. Ông là người nổi tiếng, vinh quang. Năm 1964 đang công tác tại Báo Cứu Quốc, ông và nhà báo Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) nhận lệnh vào Nam, làm báo Giải Phóng…

Ngồi trong phòng khách Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Thái Duy rất xúc động khi gặp lại các bạn là cựu phóng viên Báo Giải Phóng như Nguyễn Hồ, Kim Toàn, Phương Hà... Những hồi ức về năm tháng đạn bom vừa cầm súng đánh giặc vừa cầm bút làm báo chiến trường. Chuyện nhà báo Kim Toàn đã có giấy báo tử, sau còn sống tìm về tòa soạn; đặc biệt chuyện xung quanh tác phẩm “Sống như anh” lại hiện về.

Năm 1964, xảy ra sự kiện chính trị lớn. Báo chí Sài Gòn liên tục đưa tin về chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi làm nhiệm vụ đánh mìn cầu Công Lý, tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không thành. Anh bị giặc bắt tra tấn dã man, rồi bị chúng mang đi xử bắn. Trước họng súng kẻ thù, anh thể hiện khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cách mạng khiến chúng khiếp sợ.

Là nhà báo chiến trường, khi nghe câu chuyện này, ông và các đồng nghiệp đều nghĩ sẽ phải làm việc gì đó để tôn vinh “cái chết hóa thành bất tử” của anh Trỗi. Khi được biết chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi ra căn cứ dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam, Thái Duy đã gặp chị Quyên lấy tài liệu viết bài "Những lần gặp gỡ cuối cùng của chị Quyên và anh Trỗi", đăng trên báo Giải Phóng từng gây xúc động lòng người.

Với một tấm gương chiến đấu hy sinh lẫm liệt như anh Trỗi, một bài báo chưa đủ, cần phải có tác phẩm sâu sắc hơn. Thế là vượt qua hiểm nguy bom đạn, ông đi gặp các đồng chí cùng hoạt động, cùng ở tù với anh Trỗi để có thêm tư liệu. Ông đã viết cuốn sách "Những lần gặp gỡ cuối cùng" rồi tìm cách chuyển ra Hà Nội...

Bản thảo được gửi đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ít ai ngờ rằng, chính Thủ tướng đã đặt lại tên cho cuốn sách là "Sống như anh". Ông kể một lần ngồi làm việc ở tòa soạn báo trong rừng, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc “Sống như anh” của Trần Đình Vân (bút danh của Thái Duy), ban đầu ông ngỡ ngàng không nhận ra tác phẩm của mình. Sau này còn biết thêm, lời tựa cuốn sách của Nhà xuất bản Văn học mang in có bút tích của Bác Hồ. Bác viết: "Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là các cháu thanh niên học tập...".

Những năm 1964-1965, cuốn sách “Sống như anh" của Trần Đình Vân gây chấn động cả nước, từng in hàng triệu bản, dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, sau này từng tái bản rất nhiều lần, trở thành cẩm nang gối đầu giường cho thanh niên rèn luyện phẩm chất cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Năm 1966, đoàn đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam ra Hà Nội được Bác Hồ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, trong đó có nhà báo Thái Duy và nhà văn Phan Tứ.

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nhớ mãi tờ báo cách mạng mang tên Giải Phóng