Nhớ ngày Bác đi xa

02/09/2019 07:05

Nửa thế kỷ đã trôi qua, lời thề trước anh linh của Bác vẫn in sâu trong trái tim nhân dân cả nước.

Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Hưng tổ chức tại hội trường tỉnh tháng 9.1969. Ảnh tư liệu

Sau ngày Bác mất, cả dân tộc biến đau thương thành sức mạnh vững bước tiến lên xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày ấy, tôi công tác trong ngành chiếu phim lưu động. Đêm 2.9.1969, chúng tôi phục vụ ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà). Thời ấy báo chí, văn công rất hiếm, ngoài chiếu phim, tất cả món ăn tinh thần chủ yếu qua hệ thống truyền thanh được phát từ Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếp sóng qua truyền thanh cấp tỉnh.

Chúng tôi có chiếc radio bán dẫn để nghe tin tức. Bình thường vào ngày lễ Quốc khánh, đài có chương trình Sân khấu truyền thanh hoặc Tiếng thơ. Nhưng đến giờ rồi, không hề có nhạc hiệu báo chương trình, chỉ nghe tiếng nữ phát thanh viên giọng chậm rãi, trầm buồn: "Thưa đồng bào và các đồng chí. Trong chương trình Sân khấu truyền thanh đêm nay, xin mời các đồng chí và đồng bào nghe hồi ký cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. 20 năm sau, chúng tôi mới biết tin chính thức Bác đã mất hồi 9 giờ 47 ngày 2.9.1969, ngày Tết Độc lập. Vì thế hôm ấy Đài Tiếng nói Việt Nam đã thay chương trình sân khấu bằng đọc hồi ký cách mạng.

Sáng tinh mơ hôm sau 3.9.1969, Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin Bác đã mất. Mọi người lặng đi sững sờ, ngồi quanh bàn tre của nhà chủ chẳng ai nói câu gì. Cũng trong bản tin, có một chi tiết quan trọng là các đơn vị văn công, chiếu bóng, ca nhạc ngừng hoạt động ở nơi công cộng trong những ngày đau thương…

Chúng tôi bàn nhau sắp xếp đồ đạc, từ biệt chủ nhà, lên đường về cơ quan. Về tới huyện đã gần trưa 3.9, tôi gọi điện về tỉnh, nhận chỉ thị của cấp trên cho đóng máy, phân công người ở lại trực ban, còn anh em về quê nghỉ bù chủ nhật trước, qua hết tang Bác sẽ lại tiếp tục hoạt động.

Tin Bác mất, cả nước tiếc thương để tang. Theo hướng dẫn, các cơ quan, đoàn thể và toàn dân đeo băng tang theo một kích thước quy định. Gia đình tôi bấy giờ cũng có người làm thợ may. Một đơn vị thuộc Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3) sơ tán ở gần đấy đã đến đặt may với số lượng khá lớn. Thời ấy vải còn là mặt hàng phân phối theo tem phiếu nên đơn vị còn cấp cho vải giúp chủ hàng đỡ khó khăn.

Từng đoàn người đến dự Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Hưng tổ chức tại hội trường tỉnh tháng 9.1969. Ảnh tư liệu

Những tấm băng tang Bác được thiết kế hình chữ nhật, nửa màu đỏ, nửa màu đen. Tấm băng chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, mỏng manh, nhưng cài trên ngực trái mỗi người, ai nấy đều cảm thấy nặng trĩu, nhói đau. Còn nhớ câu thơ của Trần Đăng Khoa giản dị mà xúc động: “Cháu buốt ở trong tim này/Chỗ đeo tang suốt đêm ngày, Bác ơi!”.

Sáng 9.9.1969, tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội), lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trọng thể. Đám tang đông chưa từng có trong lịch sử, khoảng 30 vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước và 40 đoàn khách trên thế giới tham dự. Trời Hà Nội mưa tầm tã, chan hòa trong nước mắt người tiễn đưa Bác. Những người không về Hà Nội dự đám tang Bác Hồ, chỉ ở tại địa phương quê nhà nghe truyền thanh công cộng. Trên những chiếc loa treo đầu ngõ, người dân nghe tiếng Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc lời điếu, nghẹn ngào xúc động. Quần chúng càng xúc động khi ông đọc 5 lời thề trước anh linh Bác. Đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ, sau mỗi lời thề là một rừng cánh tay vung lên, cùng tiếng hô “xin thề” vang dội Quảng trường Ba Đình lịch sử. Và đây là lời thề thứ năm: “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người; bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chí Minh”. 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đặc biệt với Hải Dương. Nhiều nơi đã được đón Bác về thăm. Từ thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương), đến Hiệp Lực, Hồng Thái (Ninh Giang), Ái Quốc (TP Hải Dương), Nam Chính (Nam Sách), Côn Sơn (Chí Linh)… đều in dấu chân Người. Hình ảnh Bác đạp guồng nước trên đồng chống úng năm xưa và đặc biệt hình dáng Người trên mảnh đất Côn Sơn lịch sử còn in dấu mãi sau này… Thương nhớ Bác, người Hải Dương đã ghi nhớ từng lời Di chúc, vẫn không quên 5 lời thề trên Quảng trường Ba Đình vang vọng núi sông.

Sau ngày Bác mất, cả dân tộc biến đau thương thành sức mạnh vững bước tiến lên. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Thanh niên háo hức lên đường ra trận, xuất hiện nhiều anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ. Nơi hậu phương “cánh đồng 5 tấn” mùa vàng chi viện chiến trường…

Thấm thoắt đã 50 năm, lời thề trước anh linh Bác vẫn in sâu trong trái tim dân Việt. Phong trào học tập đạo đức và làm theo Di chúc của Người vẫn được duy trì. Nhiều điển hình, người tốt, việc tốt đang nhân lên, đẩy lùi những tệ nạn tiêu cực trong xã hội. Cùng với xây dựng kinh tế, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm đang được thực hiện quyết liệt để lấy lại niềm tin trong Đảng, trong dân.

Trong cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho đời sau những tài sản quý báu, trong đó có “Lời Bác dặn” trước lúc đi xa.

KHÚC HÀ LINH

5 lời thề với Bác

Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9.9.1969, đưa ra 5 lời thề vĩnh biệt Người:

Lời thề thứ nhất: "Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người".

Lời thề thứ hai: "Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào".

Lời thề thứ ba: "Hết lòng hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi".

Lời thề thứ tư: "Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của Hồ Chủ tịch, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các Đảng anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội".

Lời thề thứ năm: "Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng".


Theo dangcongsan.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ ngày Bác đi xa