Nhớ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

02/01/2021 10:02

Đã 75 năm nhưng ký ức về không khí náo nức, niềm vui được thể hiện quyền cử tri của mình trong ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu cử Quốc hội khóa I vẫn hằn in trong tâm trí nhiều người.


Người đảng viên tuổi kim cương Phạm Văn Diêm vẫn nhớ như in ngày ông đi đầu hàng bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I cách đây 75 năm

Ngày vui trọng đại

100 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, thật lạ lùng thay những hình ảnh náo nức, rộn ràng của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn như ghim lại trong tâm trí "cây đại thụ" hiếm hoi còn minh mẫn, tinh tường ở thôn Thị Đức, xã Nhật Tân (Gia Lộc). Đó là cụ Phạm Văn Diêm - người đã cùng đông đảo nhân dân trong xã từ 18 tuổi trở lên lần đầu tiên cách đây 75 năm tự tay cầm lá phiếu bầu ra những người thay mặt nhân dân điều hành đất nước. "Ngay từ sáng sớm, tại đình làng Đồng và đình thôn Thị Đức, nơi đặt hòm phiếu đã đông chật người. Thanh niên, thiếu nhi xếp hàng, kéo cờ giong trống hát Tiến quân ca", cụ Diêm kể.

Nhật Tân ngày đó chưa thành xã, còn nghèo lắm, chưa có trụ sở nên đình làng Đồng và đình thôn Thị Đức được chọn là nơi đặt hòm phiếu. Cụ Diêm vẫn nhớ cảnh trước ngày bầu cử ít hôm, ở các xóm có người mang chiếc mõ tre trước ngực, tay cầm cái loa mo cau cuộn tròn, sáng sớm và tối đi rao khắp xóm để loan tin về ngày Tổng tuyển cử. Tối đến, thanh thiếu niên rước đuốc hô khẩu hiệu rầm rộ quanh các xóm.

Sáng 6.1.1946, trời còn tờ mờ, thanh niên, thiếu nhi đã xếp hàng, kéo cờ giong trống hát "Tiến quân ca" khắp làng. Nơi tổ chức bầu cử của xã trang trí rất đơn sơ, chỉ gồm một dãy nong tre viết các khẩu hiệu tuyên truyền bằng vôi trắng. Ở gian giữa đình làng có trang trí cờ Tổ quốc, chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tấm bảng đen có ghi họ tên những người để bầu cử vào Quốc hội. "Tôi đi đầu trong đoàn người bỏ phiếu mà rưng rưng nước mắt vì tin tưởng rằng từ nay sẽ hết đói rét, lầm than", cụ Diêm bồi hồi nhớ lại.

Trong trí nhớ của cụ Diêm, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên ấy, đông đảo nhân dân vốn lam lũ, đói nghèo không khỏi ngỡ ngàng, bối rối xếp hàng để đi bỏ phiếu. Ngày trọng đại ấy trên địa bàn tỉnh cũng đã được Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương (tập 1, giai đoạn 1930-1975) ghi lại: “Cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên ở Hải Dương diễn ra trong vòng vây của kẻ thù nhưng đã giành được thắng lợi rực rỡ”. Trên 98% cử tri trong tỉnh không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, giới tính đã tự tay đi bỏ những lá phiếu bầu ra những người thay mặt mình tham gia cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. 

"Khi đó tôi mới hơn 15 tuổi, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên là một ngày vui trọng đại", bà Lê Thị Bốc, 90 tuổi ở thôn Phương La (xã Cẩm Chế, Thanh Hà) hồi tưởng lại. Ở đình làng, từ sáng sớm 6.1.1946, một số ít thiếu niên của xã biết chữ đã được triệu tập ăn mặc tề chỉnh. Đến giờ khai mạc, có vị cán bộ đứng lên nói, đại khái: "Hôm nay là ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tất cả mọi người đều có quyền bầu cử, từ già trẻ, gái trai, giàu nghèo...". Bà không còn nhớ tên những vị đại biểu ứng cử nhưng nhớ có rất đông người đến nhờ người biết chữ viết phiếu. Mọi người đều trân trọng gấp gọn lá phiếu, cầm trên tay và trật tự xếp hàng để bỏ vào hòm phiếu… Bà Bốc mới tham gia lớp bình dân học vụ nên cũng đã tự đọc, viết được lá phiếu giúp cho những người không biết chữ.

Mở ra trang sử mới

Trong một lần ôn lại ký ức, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam kể làng Vũ Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) quê ông trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên khắp nơi đều trang hoàng cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, cổng chào. Các xóm trong xã đều đã đổi các tên mới như: xóm Tân Trào, xóm Diên Hồng... Những thiếu niên biết chữ như ông được bà con tíu tít nhờ viết phiếu hộ. "Có lẽ đó cũng là động lực để tôi trưởng thành", ông nói. Lớn lên với trang sử mới của cả dân tộc, ông lần lượt được tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội các khóa VIII, X và XI, đảm đương nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Từ thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân. Ứng cử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu vào Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng chiếm tới 87%. Có 10 đại biểu là phụ nữ. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lần đầu tiên được bầu gồm 12 đại biểu.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã tạo nên sức mạnh lớn lao cho khối đại đoàn kết toàn dân ta. Trong tỉnh, chỉ 20 ngày sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên nhân dân cả tỉnh lại nô nức đi bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã. 30 đại biểu chính thức, 5 đại biểu dự khuyết đã được bầu vào HĐND tỉnh. Mỗi xã bầu từ 15 đến 25 đại biểu HĐND chính thức. 

75 năm đã qua, với biết bao thăng trầm, người đảng viên tuổi kim cương Phạm Văn Diêm vẫn luôn là người đi đầu trong thôn, xã, vẫn vui vẻ cuốc móng khởi công cho các công trình của xã, của dân, chứng kiến bước phát triển vượt bậc, "có nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi" của quê hương. Trang sử mới, cơ đồ mới đã mở ra tươi sáng kể từ ngày cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên với chế độ phổ thông đầu phiếu năm ấy.

LINH AN

(0) Bình luận
Nhớ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên