Những bức thư của hai anh em ruột

28/04/2020 08:06

Những dòng thư của ông Thuận là yếu tố gây dựng tư tưởng chính trị cho Nguyễn Văn Tâm, em mình - chàng trai 17 tuổi bỏ dở học cấp 3, nhập ngũ và viết đơn tình nguyện vào chiến trường B.


Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm (bên trái) kể với đồng đội cũ về tập thư của người anh trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Thuận mà ông lưu giữ hơn 45 năm qua

“Sài Gòn, ngày 20.5.1975.

Ông, bà, cô, chú, bác, các anh, các chị cùng toàn thể bà con xã viên trong HTX Ô Mễ kính mến! Từ miền Nam thân yêu vừa được hoàn toàn giải phóng, cháu viết thư này về thăm quê hương sau mười năm xa cách. Đầu thư cháu kính chúc các ông, bà, cô, chú, bác, các anh, các chị trong ban quản trị cùng toàn thể bà con xã viên HTX phấn khởi, vui tươi, mạnh khỏe, xây dựng thôn nhà ngày một giàu mạnh. Đặc biệt, cháu kính cẩn thăm hỏi tất cả các gia đình thương binh, liệt sĩ và gia đình bộ đội.

Thưa toàn thể cô bác và các anh, các chị! Được sự chăm sóc nâng đỡ, giáo dục của nhà trường cùng các đoàn thể, chính quyền địa phương, suốt 10 năm qua, cháu đã hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Giữa rừng cờ hoa rực rỡ của miền Nam thành đồng, cháu rất tự hào về quê hương ta đã đóng góp bao xương máu, nước mắt và mồ hôi để cùng với toàn dân tộc giành lấy ngày vui trọn vẹn hôm nay. Đó là nguồn động viên cổ vũ lớn lao đối với cháu cũng như anh em quê hương đang ở trong này.

…Cháu tin rằng, với khả năng tiềm lực kinh tế của HTX, với lòng nhiệt tình, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của cán bộ, đảng viên với sự nỗ lực, tận tụy phát huy kinh nghiệm sản xuất của bà con xã viên cộng với trí tuệ, kiến thức, sự sáng tạo mới và những bàn tay khéo léo đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhất định đồng ruộng thôn ta sẽ cho năng suất cao. Hàng thêu thùa ngày càng thêm giá trị mỹ thuật. Xã viên ngày càng no ấm, tươi vui. Ở nơi xa hàng ngàn cây số, cháu suy tưởng một tiền đồ đầy tương lai hạnh phúc của HTX nhà trên con đường xã hội chủ nghĩa có Đảng quang vinh dẫn đường…".

Bức thư trên đây là của trung úy Nguyễn Văn Tâm, cán bộ quân lực Đoàn pháo binh 75 viết tại quận Gò Vấp, TP Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) sau khi chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ hoàn toàn. Chỉ ít ngày sau, bức thư được ông Nguyễn Hữu Cầu, Chủ nhiệm HTX Ô Mễ (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ) đọc cho Ban quản trị và xã viên nghe tại cuộc họp toàn thôn.

Gần 45 năm trôi qua, nhiều người cao tuổi ở Ô Mễ vẫn còn nhớ buổi họp ấy. Bà con vẫn nhớ nội dung bức thư "báo tin vui đặc biệt” đó. “Mặc dù lúc đó chúng tôi đã nghe qua loa đài và thông báo của xã về tình hình trong ấy nhưng bức thư của ông Tâm làm cho chúng tôi cảm thấy như được tận mắt chứng kiến miền Nam toàn thắng. Chúng tôi vô cùng tự hào về con em mình đã trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam, tự hào về những đóng góp của quê hương”, cụ Nguyễn Thị Thành, hội viên Hội Phụ nữ "Ba đảm đang" thôn Ô Mê nhớ lại.

Có điều, ít ai biết lá thư đặc biệt nói trên có một phần được kết tinh từ những lá thư khác vào khoảng 5 năm về trước. Đó là thư của ông Nguyễn Văn Thuận, người anh ruột vô cùng kính yêu của ông Tâm, nhập ngũ năm 1963. Ông Thuận hy sinh tại chiến trường Tây Ninh. Dưới đây xin trích một số đoạn.

 “Tâm thương mến của anh! Ngày 25.8 (1965) anh nhận được 2 lá thư sau cùng của em… Một mặt anh thương em, một mặt anh thương mẹ, vì khi mẹ biết em được làm nhiệm vụ đó (đi B), mẹ sẽ khóc hết nước mắt mất thôi”. “Em thương! Em còn nhỏ tuổi, cuộc sống của em còn chứa chan hạnh phúc. Em phải vui như chim non, tìm trong gian khổ lấy lẽ sống. Anh khuyên em hãy cố gắng hăng say trong công tác, trong học tập. Em phải có phương hướng tiến lên chứ không cho phép em tụt lùi. Ngày ở nhà em rất ước ao được đi bộ đội, bây giờ vào bộ đội em mới thấy hết nỗi gian truân của nó. Biết là gian truân khổ cực nhưng không thể tránh nó được. Vậy chỉ còn một đường duy nhất là em phải vui lên”.

Nói về một chuyện tiếc nuối, ông Thuận viết: “Ngày 14 em đi trả phép (để đi B) thì ngày 15 anh mới nhận được thư em. Anh rất ân hận... Em thương! Lúc này đúng là lúc em được thử lửa…”. “Rồi đây em phải đảm nhiệm cả một công việc lớn mà Đảng giao phó cho em. Anh thương em tuổi còn quá non trẻ, không biết em có chịu đựng nổi hay không?”. “Anh biết không bao giờ em nghĩ tới tiền đồ địa vị mà hay nghĩ nhiều về tình thương”. “Nhưng trước sau có một điều anh khuyên em là phải cứng rắn lên. Không nên nghĩ tới chuyện không hay mà hãy luôn luôn mang trong tâm trí ý nghĩ ta là người chiến thắng”. “Em hãy xây dựng cho mình một đạo đức cách mạng kiên cường… Sau ngày thống nhất trở về, em sẽ là bông hoa tươi thắm nhất của gia đình và thôn xóm. Đó là điều anh mong muốn”…

Những dòng thư của ông Thuận là yếu tố gây dựng tư tưởng chính trị cho Nguyễn Văn Tâm, em mình - chàng trai 17 tuổi bỏ dở học cấp 3, nhập ngũ và viết đơn tình nguyện vào chiến trường B. Những dòng thư ấy đã nâng bước người lính pháo binh Nguyễn Văn Tâm hành quân bộ khiêng pháo cối 120 ly vào tận nơi Thành đồng Tổ quốc gian lao và anh dũng. Mới hơn 20 tuổi anh đã là đảng viên, Đại đội phó phụ trách đại đội (vì khuyết Đại đội trưởng), tổ chức hàng chục trận nã pháo vào quân địch, 5 lần được trao danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” tại chiến trường Đông Nam Bộ những năm 1966-1971.

Những dòng thư ấy còn tiếp sức cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Tâm vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, trở thành nhà kinh doanh gạo, thức ăn gia súc có tiếng khắp vùng, “Chiến sĩ thi đua thời kỳ đổi mới” của tỉnh Hải Dương.

Những mong muốn của ông Thuận dành cho ông Tâm “Em hãy xây dựng cho mình một đạo đức cách mạng kiên cường… Sau ngày thống nhất trở về, em sẽ là bông hoa tươi thắm nhất của gia đình và thôn xóm” như tiếp sức cho niềm tin của ông Tâm về HTX Ô Mễ: “Nhất định thành công của thôn nhà sẽ lớn hơn nữa. Ở nơi xa hàng ngàn cây số, cháu suy tưởng một tiền đồ đầy tương lai hạnh phúc của HTX ta trên con đường xã hội chủ nghĩa có Đảng quang vinh dẫn đường”.

Xã Hưng Đạo 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng (trong kháng chiến và thời kỳ đổi mới) mang dấu ấn về những lá thư thời chiến, trong đó có thư của hai anh em ruột đã nêu trong bài viết này.

CÁT DŨNG

(0) Bình luận
Những bức thư của hai anh em ruột