Những ngày Tết ấy, ai làm sao quên

18/02/2018 17:00

Cùng với thời gian, trí nhớ người đời suy giảm. Vậy mà có những sự kiện, những khoảnh khắc đã lâu lắm rồi vẫn tươi rói trong lòng ta như thể mới xảy ra hôm qua.

Cùng với thời gian, trí nhớ người đời suy giảm. Người nhiều kẻ ít, chẳng ai tránh khỏi quy luật sinh tồn. Vậy mà có những sự kiện, những khoảnh khắc đã lâu lắm rồi vẫn tươi rói trong lòng ta như thể mới xảy ra hôm qua.

Sau cố gắng tập trung máy bay B52 dội bom xuống Thủ đô nước ta và các vùng phụ cận, kết thúc bằng chiến thắng của ta “Hà Nội, Điện Biên Phủ trên không” tháng 12.1972, nước Mỹ của Nixon biết không còn con đường nào khác đỡ bẽ mặt hơn là thỏa thuận rút quân về nước. Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký chính thức tại Hội trường Kléber Paris, có hiệu lực bắt đầu từ 24 giờ, giờ quốc tế GMT, ngày 27.1.1973. Do chênh lệch múi giờ, giờ G tại nước ta nhằm vào 7 giờ sáng ngày 28.1.1973. Từ giờ G, mọi chiến sự ngừng tại Việt Nam.


Chợ hoa Tết Hà Nội sau khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc

Đúng vào lúc ấy, tôi có mặt ở đầu phía Bắc cầu Hiền Lương, cái cầu được hai màu sơn khác biệt đã sụp đổ từ lâu, nằm chúi đầu xuống dòng nước biếc.

Hôm ấy là chủ nhật, nhằm ngày 25 tháng Chạp ta. Tết Quý Sửu đã cận kề, miền Trung nắng ấm, Trời Quảng Trị vẫn xanh màu xanh Quảng Trị (thơ Tế Hanh). Ban đêm gió nồm mát rượi từ biển thổi vào, trong khi bên kia giới tuyến lại nóng rực đạn bom. Quân đội hai bên dốc sức giành quyền kiểm soát cảng Cửa Việt. Đêm cuối năm “tối đen như mực” mà rực sáng. Sáng đèn dù và bom đạn địch, sáng đạn pháo tầm xa và đèn đoàn xe vận tải quân ta rầm rập chạy.

Bất chấp mọi thứ, công binh tranh thủ bắc chiếc cầu phao nối liền hai bờ sông Bến Hải trước khi trời sáng.

Đầu giờ sáng hôm sau, công an giới tuyến làm lễ thượng cờ. Cây cột mới được dựng lên đêm qua tại vị trí cũ dù không cao bằng cột bê tông cốt sắt đã gãy gục từ lâu vẫn trang trọng đàng hoàng. Lá cờ Tổ quốc mang từ Hà Nội vào mới tinh khôi, còn nguyên nếp gấp.

Như thường lệ, tổ thượng cờ gồm ba chiến sĩ, một kéo cờ, hai đứng nghiêm đưa tay chào. Người được chọn kéo cờ sáng hôm nay là một chiến sĩ đạt nhiều thành tích, anh được kết nạp Đảng ngay tại tuyến lửa này. Tên anh là Phạm Văn Hỷ, người xã Vũ Anh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Hai chiến sĩ kia là Nguyễn Tân quê Nghệ Tĩnh và Hà Đức Trị người xứ Thanh. Dường như trong khoảnh khắc đáng nhớ, sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông La tề tựu ở đầu cầu Hiền Lương, chia sẻ niềm vui cùng sông Bến Hải. Ba anh công an giới tuyến ấy được trời cho khỏe mạnh thì nay đều đến mốc cổ lai hy.

Đúng 7 giờ sáng, giờ Hà Nội, không sớm hơn không muộn hơn một phút, chiếc xe dã chiến hai cầu chở Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sĩ Thản, bí danh Thành, lăn bánh qua sông. Tiếp ngay sau là xe báo Nhân Dân gồm ba người, anh lái xe vốn là chiến sĩ Trường Sơn, một đồng nghiệp trẻ và tôi. Hai chiếc xe chầm chậm lăn bánh trên cầu, tiếng bánh xe chạm mặt cầu lúc mạnh lúc êm, tôi nghe mà tưởng nhịp tim mình rối loạn.

Tết Quý Sửu 1973 ấy, lần đầu tiên sau bao năm xa cách, tôi được đón Giao thừa tại phía Nam sông Bến Hải. Từ đây vào ngôi làng nơi tôi chào đời còn chừng ba mươi cây số. Nửa đời tóc ngả màu sương/ Nhớ quê ta lại tìm đường thăm quê (thơ Tố Hữu, 1973). Nhưng cũng như anh Lành, tôi vẫn chưa thể qua chặng đường ngắn ấy để về quê sà vào lòng cha tôi lúc này đã ngoại chín mươi mà vẫn đau đáu đợi con, “Khói lửa mịt mùng vẫn một dạ chờ con đợi nước”, như vế câu đối sẽ khắc trước mộ chí cụ ít lâu sau. Cũng như bao cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève năm 1954, cũng như bao đồng bào lần lượt vượt sông Bến Hải trốn ra Bắc tránh chế độ miền Nam, giờ này đâu đã phải đến lúc rầm rập về quê.

Chúng tôi còn phải đợi hai năm. Đợi Tháng ba Tây Nguyên, đợi Giải phóng Huế - Đà Nẵng, đợi Tháng tư Sài Gòn. Vậy mà trong khoảnh khoắc nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phấp phới lên theo nhịp kéo của anh công an giới tuyến, càng lên cao cờ càng lộng gió, tôi vững tin quân xâm lược nhất thiết phải cuốn gói ra đi. Hai tháng sau, nhà báo Pháp Jean-Claude Pomonti chứng kiến tận mắt cảnh ấy ở Sài Gòn, sẽ viết bài tường thuật đăng báo Le Monde số ra ngày 27.3.1973, với đoạn kết: “Ngày thứ năm này tất cả bọn họ cùng lên đường về nước, với hơn hai triệu tấm huân chương chiến công, nhiều hơn tổng số huân chương quân đội Hoa Kỳ được tặng thưởng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng hơn năm mươi ngàn chiếc quan tài và vô vàn máy bay chiến đấu, vận tải, trực thăng tan xác mà chẳng ai buồn thốt lên câu hỏi: Chúng ta từng muốn gì ở đất nước này?”.

Vâng, hai tháng trước khoảnh khắc nhà báo Pháp mô tả, 7 giờ sáng ngày 28.1.1973, chiếc xe dã chiến chở hai phóng viên bám sát theo sau xe của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị băng qua cây cầu phao công binh ta vừa bắc, tôi nghe tiếng mặt cầu bập bùng theo bánh xe lăn mà tưởng nhịp tim mình rối loạn. Tiếng bánh xe qua cầu, tiếng tim tôi đập mạnh những ngày giáp Tết ấy làm sao tôi có thể quên!

Từ Tết năm ấy đến Tết năm nay tròn 45 năm, gần nửa thế kỷ, hơn nửa đời người. Làm sao ai có thể quên những ngày tháng ấy!

PHAN QUANG (Sức khỏe và Đời sống)

(0) Bình luận
Những ngày Tết ấy, ai làm sao quên