Nông dân đổi đời nhờ cách mạng

19/08/2019 09:00

Bức tranh nông thôn mới (NTM) tươi tắn khang trang đang hiện hữu khắp các làng quê. Từ thân phận nô lệ cơ cực, đời sống người dân đã đổi thay nhờ cách mạng.

Diện mạo nông thôn mới xã Hiệp Lực (Ninh Giang), nơi Bác Hồ từng về thăm. Ảnh: Thành Chung

Những ngày tháng không quên

Như bao thôn làng khác, nông thôn Nam Trung (Nam Sách) những năm bị thực dân Pháp cai trị đói khổ cùng cực. Cụ Trần Văn Phục, một cựu tù Phú Quốc, năm nay đã 94 tuổi đời và tròn 70 năm tuổi Đảng bảo đó là những ngày buồn đau nhưng không thể nào quên. Làng xóm tiêu điều xơ xác, đường đi lối lại nhỏ hẹp, ngập lụt, ruộng đồng không trồng cấy, vườn tược không cỏ cây. Nhà cụ bị giặc Pháp đốt phá nhiều lần. Cả làng không có nổi một gian nhà ngói. Đói kém, bệnh tật hành hạ triền miên đã cướp đi bố của cụ và nhiều dân làng  chết đói vào năm 1945. Năm 1949, cụ Phục tham gia bộ đội địa phương, đi chiến đấu, bị địch bắt rồi bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Sau Hiệp định Genève năm 1954, cụ được trao trả và về quê tham gia công tác.

Cũng như Nam Trung, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đều xác xơ, thiếu thốn trong những tháng năm nước nhà bị thực dân Pháp cai trị, rồi trải qua các cuộc kháng chiến. Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Lam Sơn (Thanh Miện) cũng là vùng quê khó khăn, nghèo đói bủa vây nhưng nhân dân vẫn dành những điều tốt đẹp nhất cho kháng chiến. Lam Sơn nằm ẩn khuất, biệt lập khỏi khu trung tâm nên đã từng là địa phương tích cực giúp đỡ các cơ quan của tỉnh, của thị xã Hải Dương và đồng bào nhiều nơi về sơ tán. Ngôi đình Kim Trang Tây mà nhân dân nhường để Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh làm việc vẫn còn như một chứng tích lịch sử. Các làng Kim Trang, Thọ Trương và ấp Lam Sơn còn là nơi sản xuất và quản lý vũ khí, khí tài của Công binh xưởng Liên khu III.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, bất chấp gian khổ, hy sinh, cán bộ và nhân dân các vùng nông thôn trong tỉnh lại tiếp tục vững tay cày, chắc tay súng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ... Trải qua nhiều vị trí, từ xã đội trưởng, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã, cụ Trần Văn Phục chứng kiến toàn bộ quá trình thay đổi của làng quê Nam Trung. Nhưng không giai đoạn nào nông thôn thay đổi mạnh mẽ như từ khi có đường lối đổi mới của Đảng trong hơn 30 năm qua...

Xây đắp làng quê đàng hoàng hơn

Cùng đất nước trải qua chặng đường đổi mới mạnh mẽ, rồi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tiếp sức cho làng quê hoàn toàn thay da đổi thịt. Với chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách hỗ trợ, ưu tiên kịp thời của chính quyền các cấp, qua 10 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 185 trong tổng số 220 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 84%), bình quân đạt trên 18 tiêu chí/xã (cao hơn bình quân chung của cả nước). Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh nêu cao trách nhiệm đi đầu, đề ra nhiều chính sách, huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM. Nhiều năm qua, UBND tỉnh luôn kịp thời hỗ trợ nông dân, nông thôn bằng nhiều nguồn lực để xây dựng NTM, ưu tiên cơ chế đặc thù, khuyến khích kinh phí cho các địa phương... UBND các huyện, thành phố, cấp xã động viên, khích lệ cả hệ thống chính trị cùng chung tay xây dựng NTM; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, giải pháp xây dựng NTM; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp bằng nhiều biện pháp...

Sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, nhân dân các vùng quê đã tạo nên diện mạo nông thôn, đô thị của tỉnh ngày càng khang trang, sạch đẹp. Cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng. Đường thôn, xóm, đường ra đồng ở khắp các làng quê được trải bê tông rộng thênh thang. Hằng ngày, lớp lớp người trẻ tỏa vào các công ty làm việc. Đồng ruộng bước đầu được tích tụ, những cánh đồng mẫu lớn hình thành mang lại thu nhập cao cho người dân...

Nặng lòng với làng quê, kế cận lớp cha anh, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân, người lao động dù có đi công tác, sinh sống ở đâu vẫn hướng về, hoặc quay về xây đắp cho làng quê. Cựu chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Thể ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung  sau khi nghỉ hưu đã chọn về quê hương sinh sống. Cụ Thể 98 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, đã mẫu mực đi đầu ủng hộ một tháng lương hưu, hiến gần 100 m2 đất để xây dựng NTM. Ông Nguyễn Hồng Hiện, nguyên cán bộ Sở Nội vụ sau khi nghỉ hưu cũng trở về quê xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) sinh sống. Không chỉ đóng góp kinh phí, ngày công, ông còn huy động con em xa quê, bà con thôn xóm xây dựng nhiều công trình làm đẹp nông thôn như sân vận động, cổng làng, đường bê tông ra đồng...

Nông thôn đã chuyển mình mạnh mẽ. Và ở đó nhiều người có thể cảm nhận nhịp sống thanh bình, đầm ấm. Nông thôn càng thêm đẹp mỗi dịp thu về.

THU MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân đổi đời nhờ cách mạng