Phát huy sức mạnh "thế trận lòng dân" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

12/10/2020 06:02

Sáng 11.10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15.10.1930 - 15.10.2020).

Ban Dân vận Trung ương tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dân vận, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc và trao giải cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017-2020.

Nhân dịp này, các gương điển hình “Dân vận khéo” đã chia sẻ cách làm hay, những câu chuyện thực tế, kinh nghiệm quý báu lan tỏa phong trào; từ đó phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Cá nhân điển hình “Dân vận khéo” nhận Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên giới

Là điển hình “Dân vận khéo” trẻ nhất được tuyên dương trong đợt này, Thượng úy Đỗ Xuân Điềm, sinh năm 1994, công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên không dấu nổi niềm tự hào, xúc động. Đóng quân trên địa bàn biên giới, hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân địa phương, do đó, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, Điềm tích cực tham gia phong trào chia sẻ khó khăn, xây dựng mô hình sinh kế bền vững, giúp bà con nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Thượng úy Điềm chia sẻ: “Thực hiện lời dạy của Bác, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được lan tỏa bắt đầu từ những việc nhỏ, việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả, mục đích cuối cùng là mang lại quyền lợi cho nhân dân, vì nhân dân. Nếu làm được việc tốt cho người dân, tôi tự nhủ phải làm hết mình, phát huy sức trẻ của bản thân, không ngại khó, ngại khổ”.

Nghĩ là làm, trong những năm qua, Điềm tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và nhân dân nâng cao trách nhiệm với nhiệm vụ công tác biên phòng; phối hợp với các tổ chức quần chúng trong và ngoài đơn vị, triển khai hiệu quả các cuộc vận động, mô hình như: “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Nâng bước em tới trường”; “Hũ gạo chiến sĩ”, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”…

Tiêu biểu, từ đầu năm 2019, Thượng úy Điềm đã tích cực nhân rộng mô hình “Hũ gạo chiến sĩ” dành tặng người nghèo. Theo đó, hằng ngày, trước khi nấu cơm, các đơn vị san sẻ, trích ra một bát gạo từ khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sĩ vào “Hũ gạo chiến sĩ”. Mỗi tháng, mỗi đơn tiết kiệm ít nhất 25kg gạo, trao tặng cho gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa trên địa bàn biên giới nơi đơn vị đóng quân. Sau hơn một năm triển khai, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã ủng hộ gần 6 tấn gạo tặng người nghèo.

“Từ những phong trào nhỏ đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới; huy động người dân tích cực phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và gần đây nhất là phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó, bà con yên tâm phát triển sản xuất, cùng bộ đội bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới”, Thượng úy Đỗ Xuân Điềm chia sẻ.

Tương tự, tỉnh miền núi biên giới Lạng Sơn có hơn 230 km đường biên giới, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ. Toàn tỉnh có 200 xã, phường, thị trấn, có tới 44 xã, thị trấn là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; 111 xã thuộc diện khó khăn. Để giữ vững an ninh trật tự, lực lượng công an đã triển khai phong trào “Dân vận khéo” thông qua mô hình “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật gắn với các hoạt động an sinh xã hội”.

Thượng tá Lê Duy Thực, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, hằng năm, đơn vị lựa chọn những địa bàn trọng tâm, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn phức tạp, sau đó, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với hoạt động an sinh xã hội. Tại đây, lực lượng công an đã huy động các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện cùng đồng hành, hưởng ứng tham gia xây dựng các công trình nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương, trường học; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; cấp mới, đổi chứng minh nhân dân... cho người dân. Trong đêm tổ chức đêm văn nghệ tuyên truyền pháp luật, gia đình hộ nghèo, các cháu học sinh nghèo vượt khó được nhận những phần quà ý nghĩa.

Từ hiệu quả từ mô hình “Dân vận khéo”, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên, người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo… Từ sự yêu mến, tin tưởng, nhân dân tích cực ủng hộ, giúp đỡ, cung cấp cho lực lượng công an hàng nghìn nguồn tin có giá trị về tội phạm; giúp đỡ lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ an ninh chính trị như: Hạn chế công dân xuất nhập cảnh trái phép; ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, phát triển tà đạo, đạo lạ trái pháp luật; giải quyết ổn định các vụ khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; làm rõ nhiều vụ án nghiêm trọng; triệt xóa nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy…

“Bên cạnh việc giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; các cán bộ, chiến sĩ phải luôn giữ đúng lễ tiết, tác phong trong quá trình tiếp xúc, làm việc với nhân dân; gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vong, phản ánh của nhân dân. Đồng thời, xây dựng mô hình, điển hình dân vận khéo cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, địa bàn; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, chỉ xây dựng mô hình “trên văn bản” mà không triển khai”, Thượng tá Lê Duy Thực chia sẻ.

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân

Tự nhận những đóng góp của mình còn "nhỏ bé" so với các gương “Dân vận khéo” toàn quốc, Vụ trưởng, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp cho biết, đặc thù công việc thường xuyên tiếp công dân, trong đó, đa số là các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, xử lý nhiều tình huống khiếu kiện phức tạp. Để vận động, thuyết phục công dân, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, nhiệm vụ tiếp công dân là cầu nối giữa người dân và chính quyền, với Đảng; lấy hài lòng với nhân dân để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

“Đặt mình vào vị trí của người dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc tiếp công dân. Chỉ khi đặt mình vào vị trí của người dân mới dễ thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhân dân. Quan trọng hơn, coi vụ việc của người dân như vụ việc của mình với thái độ nghiêm túc để nghiên cứu, tìm ra những bất hợp lý trong quá trình giải quyết hoặc tìm cách vận dụng quy định để đem lại quyền lợi cao nhất cho nhân dân”, ông Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, mỗi cán bộ tiếp dân cần có thái độ kính trọng, gần gũi nhân dân, quan tâm đến thái độ người dân. Tác phong của người tiếp công dân thể hiện qua việc ăn mặc trang phục lịch sự, nói năng nhẹ nhàng, chuẩn mực, dễ hiểu để đem lại cho người dân cảm giác được tôn trọng, được phục vụ, hạn chế cảm giác dè chừng, tạo sự thoải mái trình bày vụ việc. Đồng thời, cán bộ cần có sự trang nghiêm, rõ ràng, rành mạch với những yêu cầu không chính đáng của nhân dân; hướng dẫn, giải thích căn cứ pháp lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; thuyết phục để dân hiểu, dân chấp hành.

"Không chỉ chân thành lắng nghe người dân, cán bộ tiếp công dân phải bình tĩnh, tìm cách giảm bức xúc của người dân, nắm chắc vụ việc trước khi tiếp dân; biết cách tổng hợp nội dung khi người dân trình bày; có kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình tiếp dân; bố trí tạo điều kiện để luật sư tham gia tư vấn miễn phí cho người dân...", ông Nguyễn Hồng Điệp nêu rõ.

Dựa vào nhân dân phòng, chống dịch COVID-19


Tập thể điển hình “Dân vận khéo” nhận Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, Phó Giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, huy động sức mạnh của cộng đồng là một trong những yếu tố tiên phong, quyết định sự thành công trong công tác phòng, chống dịch tại thực địa.

Phó Giáo sư Trần Như Dương cho biết, thực hiện lời dạy của Bác: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trong những năm qua, các cán bộ y tế luôn ghi nhớ và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong công tác phục vụ nhân dân. Hằng ngày, hằng giờ, công việc của ngành Y tế, đặc biệt y tế dự phòng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, do đó, ngay khi dịch bệnh xuất hiện, tất cả các biện pháp phòng, chống dịch ở cộng đồng đều phải dựa vào nhân dân thực hiện. 

“Chỉ khi nào được dân hiểu, dân tin, dân hợp tác, dân ủng hộ, công việc mới thành công. Khi triển khai công việc, các cán bộ y tế luôn lấy người dân làm trung tâm của mọi hành động, mọi việc làm, với mục đích cao nhất “tất cả vì lợi ích, sức khỏe nhân dân”. Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cuộc chiến được xác định của toàn dân, cần có sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết toàn dân để tạo thành sức mạnh to lớn chống dịch”, Phó Giáo sư Trần Như Dương chia sẻ.

Tiêu biểu, trong đợt chống dịch tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, các cán bộ y tế tham mưu thành lập mô hình “Tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng”, phát huy vai trò của nhân dân trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch tại thực địa. Chỉ trong thời gian ngắn, Đà Nẵng thành lập 2.200 tổ; Quảng Nam 5.500 tổ; Quảng Ngãi 2.300 tổ; Quảng Trị 4.434 tổ... có nhiệm vụ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ công tác còn là cầu nối công tác phòng, chống dịch của chính quyền, ngành Y tế đến với nhân dân để nhân dân tin tưởng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Các “Tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng” là sự sáng tạo, độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến mà ít nơi nào trên thế giới làm được, đưa được các biện pháp phòng, chống dịch vào tới từng hộ gia đình. Đây là minh chứng sinh động nhất của việc phòng, chống dịch dựa vào nhân dân, huy động toàn dân tham gia phòng, chống dịch”, Phó Giáo sư Trần Như Dương khẳng định.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Phát huy sức mạnh "thế trận lòng dân" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc