Sức mạnh Việt Nam từ mùa thu Tháng Tám

23/08/2020 08:55

75 năm trôi qua, nhưng bài học quý báu từ mùa thu Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng tuyệt vời của sức mạnh Việt Nam, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, của ý chí bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam và là kết tinh truyền thống kiên cường, bất khuất của cả dân tộc theo suốt chiều dài lịch sử. 75 năm trôi qua, nhưng bài học quý báu từ mùa thu Tháng Tám năm ấy vẫn còn nguyên giá trị. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, vì lương tri và những giá trị làm người cơ bản. Đó là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và sức mạnh của đoàn kết quốc tế: Toàn dân đồng lòng nổi dậy, lực lượng Đồng minh chống phát xít trên thế giới ủng hộ; từ chiến khu về đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị đều nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Có được sức mạnh đó là nhờ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”.

Vì thế, Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Chỉ trong hai tuần, toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã nhất tề vùng lên trong một cuộc Tổng khởi nghĩa có một không hai, giành chính quyền về tay mình. 

Đầu tháng 8.1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đi đến những ngày cuối cùng. Sau khi tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức và chấm dứt chiến sự ở châu Âu, các nước trong phe Đồng minh (đứng đầu là Mỹ và Liên Xô) dồn sức tiêu diệt phát xít Nhật ở châu Á, buộc chính phủ Nhật hoàng phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện (13.8.1945). Tin tức đó nhanh chóng lan đi khắp mặt trận. Quân đội Nhật chiếm đóng ở Đông Dương bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu, chính phủ bù nhìn hoang mang cực độ. Không khí cách mạng sục sôi trong cả nước.

Theo sự thỏa thuận của các nước Đồng minh thắng trận, quân đội Tưởng Giới Thạch sẽ tiến vào miền Bắc Việt Nam, quân đội Anh - Pháp sẽ vào miền Nam Việt Nam (lấy vĩ tuyến 16 phân chia) làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất đều muốn thực hiện ý định tiêu diệt lực lượng cách mạng và Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập chính quyền tay sai phục vụ mưu đồ cai trị, nô dịch của chúng.


Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi diễn ra Đại hội Quốc dân do Việt Minh triệu tập, ngày 16.8.1945

Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, từ ngày 13 - 15.8.1945, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang), nhận định thời cơ đã đến, quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để kịp thời chỉ đạo thống nhất phong trào khởi nghĩa các địa phương. Tiếp ngay sau đó, Đại hội Quốc dân cũng họp ở Tân Trào (ngày 16/8/1945), bao gồm đại biểu của ba xứ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) đại diện cho các giới, các đoàn thể, các dân tộc, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Đại hội nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua một số chính sách quan trọng của Mặt trận Việt Minh. Chiều 16.81945, thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, một đội quân cách mạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng Thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Từ ngày 14 - 18.8, nhiều địa phương tuy chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng do nắm vững tinh thần các nghị quyết, chỉ thị trước đó của Đảng Cộng sản Đông Dương, căn cứ vào tình hình thực tiễn đã kịp thời, chủ động, sáng tạo, linh hoạt nổi dậy khởi nghĩa. Bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất là Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam (ngày 18.8.1945).

Tại Hà Nội, vào trung tuần tháng 8.1945, phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Ngày 19/8, theo lời kêu gọi nổi dậy khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, đồng bào rầm rập kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự mít tinh trong tiếng hát “Tiến quân ca” và cờ đỏ sao vàng, sau đó chia ra thành nhiều đoàn biểu tình đi chiếm các cơ quan chính quyền địch (Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Trại lính bảo an, Sở cảnh sát...). Trước khí thế trào dâng như “bão táp” của quần chúng, quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn không dám chống lại.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn ở Hà Nội có tác dụng cổ vũ to lớn phong trào cả nước. Ngày 23.8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nhân dân ta nổi dậy làm chủ thành phố Huế - kinh đô hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương. Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị. Ngày 25.8, Xứ ủy Nam Kỳ đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn giành quyền làm chủ, đánh đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân.

Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trong phạm vi cả nước. Trong vòng nửa tháng (từ 14 - 28.8.1945), cuộc Tổng khởi nghĩa thành công hoàn toàn. 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, mà còn là thắng lợi của cách mạng giành chính quyền chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, nhưng mang lại thành công lớn nhất và triệt để nhất trong lịch sử nhân loại. Đó cũng là thắng lợi tất yếu của 15 năm chuẩn bị chu đáo của Đảng ta, là kết quả cuộc đấu tranh yêu nước rộng lớn và sự hy sinh anh dũng của đồng bào, đồng chí cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 75 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ tuyên ngôn độc lập, toàn thể dân Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, bao công sức và trí tuệ để giữ vững thành quả và phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đe dọa, khó khăn chồng chất, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng, Nhà nước cùng toàn dân ta đã làm nên những điều kỳ diệu: Thực hiện thắng lợi Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương; củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng nền kinh tế mới, văn hóa mới, đời sống mới. Đó là những điều kiện và cơ sở pháp lý có tầm quan trọng đặc biệt để Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, kiên quyết bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả Cách mạng.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3.9.1945

Khi thực dân Pháp mở cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta một lần nữa, cả dân tộc Việt Nam lại cùng nhau đứng lên, sẵn sàng “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững nền tự do và độc lập”, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, với niềm tin vững chắc “kháng chiến nhất định thắng lợi”! Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, tạo thành sức mạnh vô địch, giành thắng lợi vẻ vang, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. 


Ngày 7.5.1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, Điện Biên hoàn toàn giải phóng 

Nhưng vừa ra khỏi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ - một đội quân xâm lược chưa từng thất bại. 

Trước thách thức to lớn đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã nhất tề ra trận, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Trải qua cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy hy sinh, oanh liệt, cuối cùng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hòa bình thống nhất và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí lực, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975

Trong 5 năm (1976-1980), nước ta đã khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá; củng cố kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể ở miền Bắc, bước đầu cải tạo và sắp xếp công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam, đưa một bộ phận nông dân Nam Bộ, nông dân Nam Trung Bộ vào con đường làm ăn tập thể; bước đầu phân bố lại lực lượng lao động xã hội; tăng cường một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân.

Đến những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1981-1985), nhiều Nghị quyết và Quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xóa bỏ quan liêu bao cấp.

Tuy nhiên, trong những năm đầu sau khi thống nhất, Việt Nam lại phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn. Trong khi hậu quả nặng nề của chiến tranh chưa được khắc phục, thì vừa phải tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, vừa phải chống lại sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, vừa phải tiếp tục tìm tòi, khảo nghiệm con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với những khó khăn khách quan, còn có những hạn chế chủ quan, khiến cho kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng.


Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta

Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước, từ Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới. Và trong suốt hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đó, bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được Đảng ta quán triệt, vận dụng và nâng lên tầm cao mới. 

Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết theo tinh thần: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố chính là nhân tố bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện an sinh xã hội, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế…

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được chú trọng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày một nâng lên, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Quốc phòng an ninh được củng cố, chủ quyền quốc gia được giữ vững...

Với sự đoàn kết, nỗ lực đó của toàn Đảng, toàn dân và ở trên mọi lĩnh vực, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, năm 2018 đạt 7,08% (cao nhất trong gần một thập kỷ qua) và năm 2019 đạt 7,02%. Đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước... Kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, năm 2019 đạt mức kỷ lục trên 263 tỷ USD. 

Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD…

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Giáo dục - đào tạo được chú trọng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước với chất lượng ngày càng được nâng cao. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm, đảm bảo mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 4% năm 2019 (theo chuẩn nghèo mới)…


Công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu phát triển mạnh

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với trên 185 quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế như Chủ tịch ASEAN năm 2010, là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009 và chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017. Tháng 2.2019, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. 

Trong năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm trọng trách “kép” Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận tích cực về đóng góp của Việt Nam tại LHQ và ASEAN, cũng đã có nhận định cho rằng Việt Nam là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và "trọng trách kép" trong năm 2020.

Đặc biệt, năm 2020, trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù” COVID-19, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thêm một lần nữa được phát huy cao độ. Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và và toàn thể nhân dân, Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng trong giai đoạn 1 của “cuộc chiến” chống dịch bệnh nguy hiểm, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đáng kể, theo Khảo sát của tổ chức nghiên cứu quốc tế YouGov (Anh), tới 97% người Việt Nam được hỏi tin tưởng Chính phủ xử lý tốt vấn đề dịch bệnh COVID-19.

Trong giai đoạn mới chống dịch COVID-19 hiện nay, có thể nhận thấy, với chủ trương “mỗi người dân là một hiệp sĩ, mỗi ngôi nhà là một pháp đài chống dịch COVID-19”, tinh thần đoàn kết khối đại đoàn kết toàn dân đang tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Những ngày qua, không chỉ có lực lượng tuyến đầu chống dịch, không chỉ có các y bác sĩ, các ban ngành chức năng mà nhân dân cả nước, từ người già đến em nhỏ đều đồng lòng, chung sức hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Đa số người nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp cách ly, xét nghiệm, giãn cách xã hội nhằm khoanh vùng, kiểm soát từng ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan...

Tín hiệu mừng là các ổ dịch dần được kiểm soát, số ca mắc COVID-19 khỏi bệnh tăng nhanh từng ngày; các y, bác sĩ đang “chiến đấu” ở tâm dịch cũng thêm ấm lòng, yên tâm hơn khi ngày càng nhận được nhiều tin yêu, sự hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất của các doanh nghiệp, người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước.

Bởi vậy, có thể khẳng định, dù giai đoạn mới của dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường (với trên 1.000 ca mắc tính đến thời điểm này) nhưng nếu tiếp tục vận dụng sáng tạo bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nếu tất cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc chống dịch bệnh, đồng thời dồn lực, “gỡ khó” cho phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội… thì đất nước ta ắt sẽ tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 nguy hiểm.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức mạnh Việt Nam từ mùa thu Tháng Tám