Sức xuân nơi đầu sóng: Bài 4: Những cột mốc trên ngư trường Trường Sa

12/01/2020 18:06

Giữa trùng khơi, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như lá chắn không chỉ giữ bình yên cho Tổ quốc, mà còn là những cột mốc chủ quyền trên biển, điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.



Bác sỹ tại bệnh xá đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa khám chữa bệnh cho ngư dân. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN

Trên ngư trường Trường Sa

9 giờ ngày 27.12.2019, tàu Hải quân 561 chở đoàn công tác ra thăm, chúc Tết tại các đảo trên quần đảo Trường Sa. Khi tàu đang thả neo tại vùng đảo Cô Lin, quần đảo Trường Sa, thì còi tàu bỗng nhiên hú lên liên hồi, loa từ tàu phát ra thông báo có tàu cá cùng ngư dân xin được lên tàu Hải quân để cấp cứu.

Trước sự việc bất ngờ, các thành viên trên tàu Hải quân nhốn nháo, chạy ra boong xem sao. Quả đúng, cách con tàu 561 không xa là tàu cá mang số hiệu KH 92637 TS của ngư dân tỉnh Khánh Hòa, ngư dân xin được lên tàu Hải quân vì gặp sự cố về sức khỏe.

Sau khi làm các thủ tục theo đúng quy định của lực lượng Hải quân, ngư dân được tàu 561 cho tiếp cận để lên tàu. 

Trình bày với đoàn công tác, ngư dân xin quân y trên tàu 561 khám, cấp thuốc chữa bệnh và nước uống, thực phẩm… Kiểm tra đúng như ngư dân trình bày, đoàn công tác và thuyền trưởng tàu 561 quyết định cho tổ quân y trên tàu khám, cấp thuốc, cung cấp miễn phí nước uống, thực phẩm, một số nhu yếu phẩm cần thiết khác cho ngư dân.

Trung úy, bác sĩ Phạm Thanh Tùng đi trên tàu 561 trực tiếp thăm khám cho ngư dân chia sẻ: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã quán triệt nhiệm vụ của mình là tích cực khám chữa bệnh, cấp cứu không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo, mà còn cho cả ngư dân".

Thượng úy Nguyễn Đức Khiết, Chính trị viên tàu 561 kể lại có lần tàu 561 đang hành trình đưa đoàn công tác đi thăm các đảo trên quần đảo Trường Sa, khi đến khu vực đảo Đá Nam thì nhận được tín hiệu của tàu cá QNg 96509 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi xin cập mạn để cứu giúp một ngư dân bị đau bụng, nôn ra máu chưa rõ nguyên nhân. Ngay lập tức, tàu 561 đã thực hiện các bước theo đúng quy định. Việc cấp cứu, khám, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân bị bệnh được triển khai ngay trong phòng khám trên tàu.

Những tình huống tương tự như vậy trên biển là khá nhiều. Bất cứ tàu cá nào của ngư dân, khi gặp các tình huống rủi ro trên biển đều được tàu Hải quân hoặc quân y trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hỗ trợ nhiệt tình, với trách nhiệm cao.

Suốt hành trình dài gần 20 ngày theo tàu 561 Hải quân đi từ đảo này sang đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa, đứng trên boong tàu, ở đâu chúng tôi cũng thấy tàu cá của ngư dân các tỉnh, thành phố đang ngày đêm vươn khơi bám biển.

So với con tàu 561, những tàu cá của ngư dân dù là tàu công suất lớn, chuyên dùng để đánh bắt dài ngày, xa bờ, cũng đều rất nhỏ bé. Với mắt thường và người đi biển không chuyên như chúng tôi thì rất khó nhận biết từ xa những tàu cá của ngư dân đang đánh bắt giữa trùng khơi.

Tuy nhiên, với cán bộ, chiến sĩ trên tàu 561 hay người lính Hải quân công tác trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, việc phát hiện tàu cá của ngư dân từ xa rất đơn giản. Đó vừa là kinh nghiệm vừa là kiến thức trên biển. Chỉ một đốm nhỏ cách xa mấy hải lý, họ đều biết đó là tàu cá hay tàu hàng container. Đối với các cán bộ, chiến sĩ Hải quân, hình ảnh những tàu cá trên ngư trường Trường Sa như là tất yếu của việc ngư dân ra khơi bám biển, cùng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Điểm tựa vững chắc cho ngư dân

Trên các đảo ở Trường Sa đều có những tổ quân y hoặc bệnh xá quân y. Đội ngũ y, bác sĩ làm việc ở đây đều là những người từng công tác tại các bệnh viện trong quân đội được điều ra đảo. Những tổ quân y hoặc bệnh xá quân y trên các đảo không chỉ làm nhiệm vụ khám, phát thuốc, chăm sóc y tế cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo, mà còn khám, cấp thuốc, cấp cứu cho ngư dân. Khẩu hiệu được các quân y trên đảo quán triệt khi khám, chữa bệnh cho ngư dân, đó là: “Đến tiếp đón niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về sẵn sàng chu đáo”.

Tổ quân y trên đảo Phan Vinh có 4 y, bác sĩ. Năm 2019, tổ đã khám, cấp cứu, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 188 trường hợp ngư dân đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa khi ngư dân có yêu cầu. Trong đó, nhiều trường hợp ngư dân bị thương rất nặng cần phẫu thuật, cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh cho biết ở đảo, bệnh xá thường xuyên được đón ngư dân đến khám, cấp cứu, xin thuốc chữa bệnh. 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhớ như in vào tháng 8.2029, trong khi đang làm nhiệm vụ trên đảo thì nhận được thông tin ngư dân Nguyễn Một trên tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi gặp nạn. Bệnh nhân này trong quá trình lặn dưới biển để gỡ lưới thì bị cá đâm vào làm vỡ kính lặn, cắt đứt phần mềm trên mí mắt, được quân y đảo Tiên Nữ xử lý, cấp thuốc. Sau đó, ngư dân tiếp tục đến vùng biển gần đảo Phan Vinh đánh bắt cá thì vết thương gặp sự cố, không cầm được máu. Vào gặp quân y đảo Phan Vinh ngư dân này đã được cứu chữa kịp thời, không để các biến chứng tiếp theo xảy ra.

Không chỉ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân khi gặp sự cố về sức khỏe trên biển, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn cung cấp miễn phí nước ngọt, thực phẩm cho ngư dân mỗi khi họ có yêu cầu.

Thực tế cho thấy, khi lênh đênh trên sóng biển hàng tuần, thậm chí hàng tháng, các tình huống rủi ro là rất dễ xảy ra đối với ngư dân và tàu cá. Trung tá Triệu Tiến Huy, Chính trị viên đảo Phan Vinh cho biết chỉ riêng đảo Phan Vinh, trong năm 2019 cũng đã cung cấp miễn phí cho ngư dân 2.000 lít nước ngọt, 50 kg gạo.

Thượng tá Đoàn Sơn Nam, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết năm 2019, đảo Sinh Tồn đã cấp cứu, khám, cấp thuốc cho 298 ngư dân gặp sự cố về sức khỏe khi đang đánh bắt tại ngư trường Trường Sa gần khu vực đảo. Ngoài ra, đảo Sinh Tồn còn phối hợp với Trung tâm Hậu cần kỹ thuật âu tàu (đặt trên đảo) tổ chức tiếp nhận nhiều đợt tàu cá của ngư dân vào đảo sửa chữa máy tàu, tránh trú bão.

Trường Sa - vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, một ngư trường rộng lớn với nguồn hải sản dồi dào, mang lại lợi ích kinh tế cho ngư dân và đất nước từ nhiều đời nay. Khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác đánh bắt hải sản là chủ trương đúng của Nhà nước, ngành thủy sản và các địa phương, được ngư dân hưởng ứng nhiệt tình.

Các đảo trên quần đảo Trường Sa và những con tàu Hải quân làm nhiệm vụ trên biển chính là các cột mốc sống, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Theo TTXVN

----------
Bài cuối: Lời thề của người lính Trường Sa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức xuân nơi đầu sóng: Bài 4: Những cột mốc trên ngư trường Trường Sa