Tiến sỹ Cuba: Giá trị lý luận, thực tiễn từ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

26/07/2021 20:42

Tiến sĩ Sáez cho rằng bài viết của Tổng Bí thư là văn bản quan trọng nhất trên khía cạnh lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội trong những năm qua tại Việt Nam.


Tiến sĩ Kinh tế học Ruvislei González Sáez

Bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là văn bản quan trọng nhất trên khía cạnh lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội trong những năm qua tại Việt Nam. Bài viết đã nêu bật ý nghĩa của việc xác định con đường đúng đắn và đúc rút những bài học kinh nghiệm để không lặp lại sai lầm của chủ nghĩa tư bản.

Đó là nhận định của Tiến sĩ kinh tế học Ruvislei González Sáez, Trưởng Bộ phận châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế của Cuba (CIPI), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba – Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

Tiến sĩ Gonzalez Sáez cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bản đánh giá nhận thức của Việt Nam về chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh phức tạp hiện nay, đồng thời là một tham chiếu lý luận để hoạch định con đường và đóng góp kinh nghiệm cho những tiến trình xã hội chủ nghĩa với những đặc điểm riêng biệt khác. Vì vậy, bài viết hữu ích cho các nước đang tiến lên chủ nghĩa xã hội cũng như cho công tác nghiên cứu lý luận. Bài viết cũng là một tham chiếu cho những lãnh đạo tương lai của Việt Nam tiếp tục con đường chủ nghĩa xã hội và những mục tiêu đã vạch ra tới năm 2045.

Theo Tiến sĩ Gonzalez Sáez, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tính khách quan khi thừa nhận chủ nghĩa tư bản đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ và đây là một trong những yếu tố giúp Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm tích cực đó để đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc Đổi mới, bắt đầu từ năm 1986. Đồng thời, Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng cũng xác định được bản chất của hệ thống tư bản hiện đại và những vấn nạn mà nó gây ra. Ông Gonzalez Sáez cho rằng bài viết có cách tiếp cận thực tế, với một tư duy mang tầm thời đại và sát với thực tiễn, đã tổng hòa được những yếu tố hợp lý và tiến bộ nhất trong tư tưởng xã hội chủ nghĩa hiện tại. Việc đi sâu phân tích bài viết không chỉ giúp hiểu rõ các yếu tố then chốt của quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở bất cứ quốc gia nào, mà còn giúp nắm bắt được những yếu tố thực tiễn.

Tiến sĩ Gonzalez Sáez nhấn mạnh một bài học lớn mà bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải là phải hiểu thực tiễn lịch sử cụ thể của từng tiến trình, của việc quá độ lên chủ nghĩa xã hội với ý thức rõ ràng về đặc điểm riêng biệt của từng quốc gia. Sau khi tuyên bố độc lập, Việt Nam đã phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh giữ nước, với bao vây cấm vận kinh tế và tài chính, với sự phong tỏa về chính trị, cũng như với những đòn công kích về chủ quyền, do đó, bản thân việc phân tích quá trình ấy đã mang nội hàm “không quên quá khứ khi xây dựng tương lai”.

Chuyên gia Cuba cũng nêu rõ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập những cách thức và những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau khi áp dụng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến hành công cuộc Đổi mới, để từ một đất nước chậm phát triển với lực lượng sản xuất yếu kém và nông nghiệp là chủ đạo dần vươn tới quá trình công nghiệp hóa để có thể đạt được khát vọng xã hội chủ nghĩa.

Theo Tiến sĩ Gonzalez Sáez, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”, qua đó cho thấy Việt Nam không chỉ công nhận thị trường mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ý thức được những quy luật khách quan của thị trường, nhưng là một thị trường được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa điều tiết và quản lý...

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có rất nhiều hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thành phần kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã được củng cố và phát triển liên tục, thành phần kinh tế tư nhân là một lực lượng quan trọng; thành phần kinh tế có đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển theo các chiến lược, kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Nhà nước quản lý nền kinh tế thông qua luật pháp, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và nguồn lực vật chất để định hướng, điều tiết và khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh địa dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là một trong những nước thu hút nhiều đầu tư nước ngoài trực tiếp nhất ở khu vực châu Á và dẫn đầu tăng trưởng kinh tế tại châu lục này trong năm 2020.

Sau 35 năm với những kết quả tích cực đó, tính đúng đắn của tiến trình cải cách kinh tế - xã hội dưới tên gọi Đổi mới đã được khẳng định. Điều này được thể hiện nổi bật qua việc Việt Nam đã giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, vốn được nhiều nước nhìn nhận như một vấn đề thuộc an ninh quốc gia. Không những vậy, Việt Nam còn trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác thuộc loại hàng đầu thế giới. Nền công nghiệp ghi nhận những bước phát triển khá nhanh chóng với tỷ trong công nghiệp và dịch vụ tăng đều đặn và ngày nay đã chiếm 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tiến sĩ Gonzalez Sáez nhấn mạnh điều quan trọng nhất là tất cả những chuyển biến đó đều đạt được dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam – nhân tố quyết định thành công của công cuộc Đổi mới, đảm bảo quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Tiến sĩ Gonzalez Sáez, một trong những thành tưu nổi bật nữa của Đảng Cộng sản Việt Nam là đã đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng trong những năm gần đây. Đây là một kinh nghiệm lớn, góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của xã hội đối với Đảng.

Tiến sĩ Gonzalez Sáez khẳng định những nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của Việt Nam, cụ thể là con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó Nhà nước phải vận hành vì nhân dân và do nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một điểm then chốt nừa là ngay cả khi được hình thành trên nền tảng của chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đóng vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội và tinh thần của Việt Nam.

Theo ông Gonzalez Sáez, trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vạch rõ những nhiệm vụ cần làm trên chặng đường hướng tới những mục tiêu xã hội chiến lược vào năm 2045, như thu hẹp hoảng cách giàu nghèo, tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công khác, đẩy mạnh phát triển văn hóa và các giá trị tinh thần... Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các nỗ lực  chống tham nhũng, lãng phí, tình trạng phai nhạt lý tưởng và suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; đối phó với những mưu đồ can thiệp, phá hoại, gây bất ổn, tiến hành các âm mưu “diễn biến hòa bình” để chống phá chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với tác động của những yếu tố khác như tình trạng kinh tế quốc tế, đại dịch COVID-19, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, trong đó Đông Nam Á được coi là một tâm điểm mà các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng,...

Nhà nghiên cứu Cuba nhấn mạnh bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ sự thành công hay thất bại phụ thuộc trước hết vào sách lược đúng đắn, ý chí chính trị, năng lực lãnh đạo và tính chiến đấu của Đảng.

Theo Tiến sĩ Gonzalez Sáez, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn hàm chứa nhiều giá trị quốc tế. Một trong những bài học lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra là trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sự phát triển của một quốc gia không thể diễn ra một cách đơn lẻ, nằm bên lề những tác động của thế giới và thời đại. Vì vậy, cần phải chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế, triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, bình đẳng và cùng có lợi.

Chuyên gia Cuba nhấn mạnh bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn có thể trở thành một phần của các cuộc trao đổi lý luận giữa các Đảng Cộng sản và trường Đảng của các nước xã hội chủ nghĩa đang có cơ chế trao đổi kinh nghiệm và các bài học tổng kết; là tài liệu tham khảo cho các giáo sư và sinh viên đại học tại các quốc gia đang quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong các bộ môn như kinh tế chính trị, hay các trung tâm nghiên cứu.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiến sỹ Cuba: Giá trị lý luận, thực tiễn từ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng