Trông cây lại nhớ đến Người

25/01/2020 09:03

Cách đây 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng cây.

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đây là cây đa Người trồng trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời mình. Ảnh tư liệu

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Bác kính yêu đã đi xa nhưng lời dạy của Người: “Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” còn nguyên giá trị.

Bác dặn việc trồng cây

Năm 1959, khi cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chúc mừng Đảng 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực đăng trên báo Nhân Dân, phát động phong trào Tết trồng cây.

Theo Người, việc trồng cây sẽ mang lại nhiều lợi ích, đó là “làm phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đủ đầy hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Người căn dặn, phong trào Tết trồng cây là “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng” mà “tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”.

Bác Hồ luôn là tấm gương đi đầu thực hiện phong trào. Ngày 11.1.1960, Bác trồng cây đa tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) mở đầu Tết trồng cây và cũng là khơi nguồn cho mỹ tục riêng có, đặc sắc của dân tộc ta.

Để định hướng phong trào, Bác có 15 bài viết, cuộc nói chuyện liên quan đến Tết trồng cây. Bác xác định rõ việc trồng cây giống như việc trồng người. Việc này vì lợi ích thiết thực trước mắt nhưng cũng chính là chăm lo cho tương lai lâu dài: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Từ bài báo Bác viết, từ cây đa Bác trồng, phong trào trồng cây đã nhanh chóng phát triển rộng khắp toàn miền Bắc và cả nước ta.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho cán bộ và nhân dân Hải Dương. Tỉnh ta vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm, làm việc và nhiều lần được Bác viết thư khen ngợi, động viên. Trong những bài viết, cuộc nói chuyện với cán bộ, nhân dân trong tỉnh, Bác cũng không quên nhắc nhở, căn dặn phải làm tốt việc trồng cây.

Sáng 26.7.1962, tại buổi nói chuyện ở sân Vọng Cung (nay là Nhà hát Nhân dân TP Hải Dương), Bác nhắc lại với cán bộ, nhân dân trong tỉnh về lợi ích của việc trồng cây, đó là “một nguồn lợi rất lớn, đồng thời nó làm cho làng mạc thêm vui tươi”.

Bác lưu ý: “Theo các báo cáo thì tỉnh ta trồng được 2 triệu 50 vạn cây. Nhưng không dám bảo đảm có mấy cây sống!”. Bác yêu cầu Hải Dương “cần tổ chức những nhóm chuyên môn phụ trách và vun bón cây và làm đúng nguyên tắc trồng cây nào, sống cây ấy”.

Lần cuối cùng về thăm và làm việc tại Hải Dương, ngày 15.2.1965, Bác nói chuyện với cán bộ, xã viên xã Hồng Thái (nay là xã Hồng Dụ, Ninh Giang). Người ân cần căn dặn: “Trồng cây phải có đội chuyên trách, phải bảo vệ tốt những cây đã trồng”.

Người về Nam Chính (Nam Sách) rồi lên núi Côn Sơn. Tại đây, Người căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương và các nhà sư nên tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, biến Côn Sơn thành “tùng lâm đẹp đẽ”.

Nâng cao đời sống nhân dân

Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Dương luôn chú trọng làm tốt công tác trồng cây để góp phần thiết thực phát triển kinh tế địa phương, phục vụ đời sống nhân dân.

Ngay sau khi Bác viết bài phát động, Ủy ban Hành chính tỉnh mở hội nghị bàn về Tết trồng cây. Hội nghị quyết định phát động phong trào thực hiện Tết trồng cây vào ngày 6.1.1960, sơ kết ngày 19.5.1960 để lập thành tích chào mừng Đảng 30 tuổi và chúc thọ Bác Hồ 70 tuổi.

Mỗi người từ 8 tuổi trở lên trong tỉnh đều trồng cây, thực hiện phương châm “trồng cây nào chắc cây ấy” như Bác dặn. Toàn tỉnh chuẩn bị 20 tấn hạt xoan để ươm trồng, trong đó huyện Ninh Giang đi đầu trồng được hơn 6.000 cây xoan.

Những năm sau đó, phong trào trồng cây của tỉnh ta đi vào nền nếp, xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiêu biểu. Năm 1970, tổng kết 10 năm thực hiện Tết trồng cây theo lời Bác, toàn tỉnh trồng được trên 23 triệu cây lấy gỗ và trên 54 triệu cây ăn quả.

Nhắc đến khí thế Tết trồng cây những năm trước đổi mới, ông Đặng Văn Trình, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển giao thông tỉnh nhớ lại: “Thời đó, trồng cây là một trong 5 mục tiêu chủ yếu của phong trào sản xuất nông nghiệp là "lúa, lợn, màu, cây, cá".

Hầu hết các HTX đều có vườn ươm cây và đội trồng cây. Việc trồng cây thường do các cụ cao niên ở thôn, làng phụ trách. Phong trào "vườn quả Bác Hồ" rất sôi nổi, rộng khắp, là việc làm thiết thực thể hiện lòng kính yêu vô hạn của người dân cả nước đối với Bác.

Các con đường liên xã, liên thôn và đường từ đồng về các sân kho đều có những hàng cây xanh tốt. Một số nơi còn trồng được cả cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX”.

Những năm gần đây, Hải Dương đều đạt và vượt chỉ tiêu trồng 1 triệu cây ăn quả, cây phân tán mới mỗi năm. Diện tích đất rừng đã được phủ xanh, không còn đồi núi trọc.

Trong tỉnh đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ phong trào Tết trồng cây, nhiều địa phương trong tỉnh xây dựng được vùng cây ăn quả chuyên canh vừa mang lại thu nhập khá cho người dân, vừa đóng vai trò cải thiện môi trường, điều hòa khí hậu.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khắc ghi lời dạy của Bác, Hải Dương luôn nghiêm túc trong việc thực hiện Tết trồng cây. Tỉnh linh hoạt lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương để phát huy hiệu quả sản xuất, đưa phong trào đi vào thực chất.

Toàn tỉnh có 5 cây chủ lực là vải, ổi, na, cam, bưởi với diện tích gần 490 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều loại cây ăn quả của tỉnh đã khẳng định thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước như vải thiều, ổi Thanh Hà, na Chí Linh, cam Kinh Môn... Hiệu quả từ phong trào Tết trồng cây giúp đời sống của người dân ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đến nay đã tròn 60 mùa xuân nhưng vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, noi gương Bác, nhân dân mọi miền Tổ quốc lại hăng hái trồng cây.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Trông cây lại nhớ đến Người