Từ Tuyên ngôn độc lập đến Di chúc của Bác

02/09/2019 04:36

Hơn 40 năm trôi qua, đất nước hòa bình và xây dựng, mỗi lần kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2.9, chúng ta càng nhớ đến Tuyên ngôn độc lập của Bác, nhớ đến bản Di chúc thiêng liêng của Người...

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu

Từ Tuyên ngôn độc lập 1945 đến Di chúc 1969, trong bất kỳ thời điểm nào, trước sau như một, ý chí chống xâm lược, bảo vệ tự do, độc lập, hòa bình và thống nhất nước nhà, xây dựng đất nước giàu mạnh trong Bác luôn mãnh liệt và nhất quán.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2.9.1945, tại vườn hoa Ba Đình (Thủ đô Hà Nội) đã diễn ra một cuộc mít tinh lớn. Tại cuộc mít tinh này, trước nửa triệu đồng bào họp mặt, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Người đã khẳng định một cách đanh thép rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Đoạn văn rất ngắn, chỉ có hai câu. Câu một khẳng định nước Việt Nam đã là nước tự do, độc lập; dân Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập. Nhưng vì quân Pháp, Nhật còn trên đất nước ta, tự do độc lập còn bị đe dọa nên Bác viết tiếp câu sau. Đây là câu khẳng định ý chí sắt đá giữ vững tự do, độc lập của dân tộc ta. Sự quý giá của độc lập, tự do đã tạo nên ý chí bảo vệ độc lập, tự do. Đó chính là nguồn gốc làm nên sức mạnh dân tộc.

Thực tế đã cho thấy tuy cách mạng đã giành được chính quyền nhưng còn phải đối mặt với ba loại giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp bội ước nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và đổ bộ hàng nghìn quân lên Đà Nẵng (ngày 20.11.1946). Vì thế hơn một năm sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, chúng ta không có con đường nào khác là cầm vũ khí đứng lên. Ngày 20.12.1946, Bác lại ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đây là tuyên ngôn đánh giặc, là hịch kháng Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vẫn tinh thần và ý chí của Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Bác Hồ khẳng định: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Cụ thể hơn, Người chỉ rõ: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".

Rõ ràng áng văn bất hủ này không còn chung chung nữa mà Bác đã chỉ rõ đường lối đánh giặc, trước hết phải đoàn kết toàn dân và thực hiện chiến tranh nhân dân, phải chịu nhiều gian khổ mới đánh giặc được.

Vẫn tinh thần của Tuyên ngôn độc lập năm 1945, hai năm sau, vào ngày 23.9.1947, Bác gửi thư cho đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ khi hai miền này kháng chiến chống Pháp đã được hai năm. Dù là thư động viên nhưng Người vẫn không quên khẳng định ý chí và sức mạnh: "Kiên quyết một lòng, không chịu mất nước, không làm nô lệ, không chịu chia rẽ... Kiên quyết kháng chiến để giải phóng giống nòi, giữ gìn Tổ quốc... Từ chiến sĩ mặt trận đến đồng bào hậu phương, đều đem lòng quyết tử phá địch để mở sinh tồn tự do".

Trong Báo cáo chính trị Bác đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam ngày 11.2.1951, vẫn theo tinh thần của Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Người chỉ rõ: "Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới". 

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc được hòa bình nhưng miền Nam vẫn còn bọn xâm lược Mỹ và tay sai. Từ năm 1965, chiến tranh lan rộng ra cả nước. Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, khóa III vào ngày 10.4.1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: "Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này, thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng"; "Một lần nữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố lập trường của mình trước sau như một là: Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam..."; "Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Đây tuy là bài phát biểu ở kỳ họp của Quốc hội nhưng chúng ta có thể gọi là "Tuyên ngôn đánh Mỹ lần thứ nhất", nhất quán với tinh thần của Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Cũng từ đấy, cả nước khắp nơi giương khẩu hiệu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Cũng vào tháng 7.1965, trong lời kêu gọi "đồng bào và bộ đội", một lần nữa Hồ Chủ tịch lại khẳng định: "Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn". Sang tháng 7.1966, khi cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền Nam, Bắc vào giai đoạn vô cùng ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trong bài hịch lần này, Người vẫn tiếp tục khẳng định: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!". Cũng từ đây câu triết lý sâu sắc: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã thành khẩu hiệu chiến đấu của toàn dân tộc, ý nghĩa ấy dường như đã ngấm vào máu người Việt Nam ta. Năm 1968, chúng ta đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Hồ Chủ tịch lại có lời kêu gọi. Vẫn ý chí của Tuyên ngôn độc lập 1945, Bác nêu: "Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi".

Một năm sau, vào tháng 7.1969, mặc dù lúc này sức khỏe đã giảm sút, Bác lại có "lời kêu gọi" toàn thể quân và dân: "Quân và dân cả nước ta, triệu người như một, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, không sợ gian khổ, quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, quyết chiến quyết thắng, đánh cho quân Mỹ phải rút hết sạch, đánh cho ngụy quân và ngụy quyền sụp đổ hết, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà".

Rồi vẫn nguyên vẹn ý chí của Tuyên ngôn độc lập 1945, trong Di chúc, Người khẳng định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn".

Như vậy, từ Tuyên ngôn độc lập 1945 đến Di chúc 1969, trải qua 24 năm chiến tranh chống Pháp, Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong bất kỳ thời điểm nào, dù là tuyên ngôn hay thư thăm hỏi, dù là lời kêu gọi hay chúc Tết, dù lúc khỏe hay khi đã yếu thì trước sau như một, ý chí chống xâm lược, bảo vệ tự do, độc lập, hòa bình và thống nhất nước nhà, xây dựng đất nước giàu mạnh trong Bác vẫn ngùn ngụt bốc cao và nhất quán. Ý chí ấy truyền đến toàn quân, toàn dân ta thành ý chí của cả dân tộc. Và từ ý chí ấy tạo nên sức mạnh vô biên. Đó là chỉ trong vòng 30 năm, từ lúc cách mạng thành công 1945, quân đội ta mới có mấy chục người ở thời điểm mới thành lập (ngày 22.12.1944), súng trường, dao, kiếm thô sơ, vậy mà trưởng thành nhanh chóng để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954. Rồi từng bước đánh cho Mỹ cút để đến năm 1975 đánh đổ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, đưa Bắc Nam về một nhà. Từ đây mở ra cho Tổ quốc ta một giai đoạn lịch sử mới: giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đã hơn 40 năm trôi qua, đất nước hòa bình và xây dựng, mỗi lần kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2.9, chúng ta càng nhớ đến Tuyên ngôn độc lập của Bác, nhớ đến bản Di chúc thiêng liêng của Người và càng thấy rõ trách nhiệm bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ Tổ quốc và dựng xây đất nước hùng cường của mỗi người Việt Nam trong thời đại mới.

VĂN DUY

(0) Bình luận
Từ Tuyên ngôn độc lập đến Di chúc của Bác