Việt Nam ưu tiên tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ dân trong xung đột

11/01/2020 08:35

Ưu tiên của Việt Nam trong tình hình hiện nay là việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, làm sao để các nước phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.

Phó Thủ tướng, Bộ tưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gõ búa khai mạc phiên thảo luận. Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN

Ngày 9.1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm Liên hợp quốc: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế."

Đây là sự kiện dấu ấn quan trọng trong tháng đầu tiên Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1.2020, được Việt Nam tổ chức nhân dịp Liên hợp quốc kỷ niệm ba phần tư thế kỷ tồn tại và phát triển.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về kết quả phiên thảo luận và những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an.

- Thưa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, ông đánh giá như thế nào về kết quả phiên thảo luận mở ông vừa chủ trì tại Hội đồng Bảo an và chủ đề phiên thảo luận này có ý nghĩa như thế nào?

- Phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm Liên hợp quốc: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” là chủ đề chúng ta đề xuất, là sáng kiến của Việt Nam đưa ra rất đúng lúc.

Đúng lúc là vì năm 2020 chúng ta cũng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hợp quốc và ra đời Hiến chương Liên hợp quốc. Điều đó nói lên ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn của chủ đề phiên thảo luận, nhìn lại lịch sử và giá trị của hiến chương Liên hợp quốc.

Điều thứ hai là vấn đề này được đưa ra vào thời điểm có rất nhiều vấn đề đang xảy ra trên thế giới, nhất là các cuộc xung đột, các mối đe dọa đang hiện hữu ở nhiều nơi và trong đó có những vấn đề liên quan đến việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc.

Do đó, chủ đề này đã lôi cuốn được sự quan tâm rất lớn của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc chứ không chỉ các nước ủy viên trong Hội đồng Bảo an.

Trước đây, chưa từng có cuộc thảo luận mở nào của Hội đồng Bảo an mà lại thu hút sự tham gia của các thành viên của Liên hợp quốc nhiều như vậy. Hơn 110 nước đã tham gia đăng ký phát biểu. Đây có thể nói là con số đông đảo nhất từ trước tới nay đối với một cuộc thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong những năm gần đây, Hội đồng Bảo an cũng đã tổ chức một số phiên thảo luận mở liên quan đến Hiến chương Liên hợp quốc, nhưng lần này Hội đồng Bảo an tổ chức vẫn cuốn hút được rất nhiều nước tham gia. Điều đó nói lên các nước rất quan tâm đến vấn đề này.

Trong thời điểm hiện nay, các nước càng cần phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt đối với các nước là ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Một điều nữa là tại cuộc thảo luận mở này, lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc, chúng ta đã có được một tuyên bố về thảo luận mở liên quan đến Hiến chương Liên hợp quốc. Các cuộc thảo luận về Hiến chương Liên hợp quốc trước đây chưa bao giờ ra được tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an như vậy.

Điều đó nói lên tầm quan trọng cũng như thành công của phiên thảo luận mở, đồng thời cũng là sáng kiến của Việt Nam ngay từ tháng đầu tiên chúng ta là thành viên của Hội đồng Bảo an, cũng như là tháng đầu tiên chúng ta là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Toàn thể phiên thảo luận. Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN

- Xin Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an là gì, nhất là trong tháng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an?

- Khi tham gia Hội đồng Bảo an, chúng ta cũng đặt ra những ưu tiên riêng của mình. Nhưng những ưu tiên đó của Việt Nam cũng phải phù hợp với những ưu tiên chung của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như của các thành viên của Liên hợp quốc.

Ưu tiên của chúng ta trong tình hình hiện nay là việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, làm sao để các nước phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Vấn đề thứ hai là phải ngăn chặn xung đột hay còn gọi là ngoại giao phòng ngừa, đó cũng là vấn đề các nước trong Hội đồng Bảo an rất quan tâm.

Vấn đề thứ ba là bảo vệ dân thường trong xung đột và vấn đề thứ tư cũng được nhiều nước quan tâm là bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột. Một ưu tiên tiếp đó là sau xung đột cần giải quyết những hậu quả xung đột, trong đó có những vấn đề như là tháo gỡ bom mìn. Đó là những vấn đề Việt Nam có kinh nghiệm vì chúng ta đã từng trải qua chiến tranh và chúng ta thấy đây là vấn đề của nhiều nước sau xung đột và cần phải xây dựng lại.

Một vấn đề nữa cũng là ưu tiên được đặt ra là chống biến đổi khí hậu liên quan đến hòa bình an ninh. Đó là những ưu tiên của Việt Nam trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đương nhiên trong hai năm, những ưu tiên này sẽ phải được trải đều ra trong các tháng chứ không phải chỉ tập trung vào tháng chúng ta làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

- Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp như hiện nay với nhiều điểm nóng ở châu Phi, Trung Đông và châu Á, trong vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ tham gia xử lý các vấn đề đó như thế nào?

- Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam là ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chúng ta cũng có những kinh nghiệm của nhiệm kỳ đầu tiên 2008-2009 tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Vai trò của các nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an có khác so với các nước ủy viên thường trực, cho nên đóng góp của các nước ủy viên không thường trực cũng sẽ dựa trên khả năng các nước đóng góp được, cũng như dựa trên uy tín và vị thế của nước đó.

Trong giai đoạn hiện nay, vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố, chúng ta có quan hệ với các nước, có các cơ chế trong quan hệ với các nước và đặc biệt là chúng ta có kinh nghiệm trong việc phát triển đất nước. Do vậy, đóng góp của chúng ta là đưa ra những kinh nghiệm, nhất là những kinh nghiệm sau chiến tranh thì giải quyết phát triển đất nước như thế nào.

Chúng ta cũng có thể đóng góp vào lĩnh vực hòa giải. Đây cũng là thực hiện chỉ thị 25 của Ban Bí thư là tăng cường vai trò dẫn dắt hòa giải, nâng cao vị thế tầm đa phương của Việt nam. Vì vậy, chúng ta có thể đóng góp vào vấn đề hòa giải cho các nước trong khu vực và trên thế giới như ở châu Phi, châu Á trong khả năng chúng ta có thể đóng góp được. Đây là mong muốn của Việt Nam khi tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam ưu tiên tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, bảo vệ dân trong xung đột