Xúc động khi nghe Di chúc của Bác

01/09/2019 16:16

50 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại thời khắc nghe đọc Di chúc của Bác nhiều người vẫn rưng rưng xúc động.

Ông Đinh Văn Kế ở thôn Hoàng Xá (xã Nam Chính) vẫn giữ quyển sổ ghi lại những phong trào làm theo lời Bác sau khi nghe Di chúc của Người

Biến đau thương thành hành động

Ông Đinh Văn Kế sinh năm 1929, ở thôn Hoàng Xá, xã Nam Chính (Nam Sách), nguyên là Bí thư Đảng ủy xã từng được gặp Bác khi Người về thăm xã Nam Chính. Ấn tượng của ông Kế về Bác rất sâu đậm. 

"Ngày 3.9.1969, cán bộ và nhân dân xã Nam Chính bàng hoàng khi hay tin Bác Hồ đã qua đời. Bản thân tôi đau xót như mất đi người thân", ông Kế bồi hồi nhớ lại. Ông kể, đến ngày 5.9.1969, xã tổ chức lễ viếng Bác tại hội trường nơi Người đã về nói chuyện. Cán bộ các đoàn thể và nhân dân không sao ngăn nổi dòng nước mắt khi thành kính dâng hoa lên trước di ảnh Người. Trong không khí đau thương, ngày 9.9, cán bộ, nhân dân Nam Chính tập trung đông đủ tại hội trường xã để nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh trực tiếp lễ truy điệu Bác. Lúc đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất  Trung ương Đảng đọc điếu văn, ai nấy lại rưng rưng nước mắt. "Bản thân tôi cũng không cầm được nước mắt, đặc biệt khi nghe những lời căn dặn trong Di chúc của Người", ông Kế nói. Cả đời cống hiến cho dân, cho nước, trước lúc ra đi Người vẫn đặt đất nước và nhân dân lên trước nhất. Trong Di chúc, Người căn dặn tỉ mỉ từ những điều cụ thể, từ việc chung tới việc riêng. Bác nói về Đảng, về xây dựng mối đoàn kết trong Đảng. Người quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế và văn hóa... "Tôi và cán bộ, nhân dân trong xã nghe như nuốt từng lời. Không còn cơ hội được đón Bác về thăm, Nam Chính tự hứa sẽ biến đau thương thành hành động", ông Kế nhớ lại. Sau đó, xã đã phát động hàng loạt phong trào như trồng cây, tăng gia sản xuất, thể dục thể thao, giáo dục, tuyển quân... Phong trào nào cũng được các tầng lớp nhân dân hăng hái hưởng ứng và có thành tích cao. Tính từ năm Bác về thăm đến năm 1977, xã Nam Chính đã 4 lần được nhận huân chương về thể dục thể thao, y tế, giáo dục thanh thiếu niên và công tác chi viện... 

Khắc ghi trong tim

Ông Dương Xuân Quốc, đảng viên 50 năm tuổi Đảng ở thôn Dậu Trì, xã Hồng Thái (Ninh Giang) vẫn nhớ như in lần Bác về thăm Hồng Thái vào tháng 2.1965. Khi đó, ông đã khắc ghi hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại mà bình dị, gần gũi. Bởi vậy ngày Hồng Thái cùng cả nước đau thương vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngày ông không thể nào quên. Ông Quốc nhớ lại: “Năm 1969, sau Quốc khánh một ngày thì nghe tin Bác Hồ mất. Mọi người bán tín bán nghi, có người không tin đó là sự thật. Hồi đó, thông tin liên lạc không như bây giờ. Nhà nào khá lắm thì có chiếc đài nhỏ. Người dân chủ yếu nắm thông tin qua loa phát thanh, qua cán bộ truyền đạt hoặc sách báo. Về sau, khi các đồng chí lãnh đạo xác nhận, bà con mới thực sự tin Bác đã không còn nữa. Một niềm đau xót vô hạn bao trùm khắp Hồng Thái".

Không có điều kiện nghe thông tin trực tiếp lễ truy điệu Bác do hệ thống loa hư hỏng, sau ngày 9.9.1969 vài hôm, lễ truy điệu Bác được Hồng Thái tổ chức trang trọng tại trung tâm xã. Một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện cũng về dự. Ông Quốc vinh dự được cùng hơn 100 cán bộ, đảng viên trong xã tham dự buổi lễ hôm đó. Trong căn nhà lá đơn sơ, một đồng chí lãnh đạo huyện đọc lời vĩnh biệt Bác. Không ai nén được xúc động khi từ biệt vị Cha già kính yêu của dân tộc. Bản Di chúc của Bác được đánh máy in qua giấy than phát cho từng người dự buổi lễ hôm đó. "Khi đọc bản Di chúc, tôi nhớ nhất là những lời dặn của Người về công tác Đảng. Người nhắc phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Là một đảng viên, tôi thầm hứa nguyện suốt đời học tập,  làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác", ông Quốc nói. 

Ông Phạm Nhật Trình, 74 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở thôn My Khê, xã Vĩnh Hồng không thể quên được hình ảnh cả sân trường cấp 2 Thúc Kháng (cùng huyện Bình Giang) nơi ông công tác, hơn 200 giáo viên và học sinh nức nở, nghẹn ngào khi hay tin Bác mất. Xúc động nhất là hôm nghe tường thuật lễ truy điệu Người phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam từ chiếc radio của một đồng nghiệp. Lúc đồng chí Lê Duẩn đọc điếu văn và công bố Di chúc của Bác, những cán bộ, giáo viên, học sinh ôm nhau khóc nức nở. Là một giáo viên, khi nghe những điều Bác căn dặn phải lấy bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết ngay sau phần nói về Đảng, ông tự hứa với Bác, với bản thân mình phải làm thật tốt trọng trách "trồng người". 

50 năm qua bản Di chúc của Hồ Chủ tịch vẫn vẹn nguyên giá trị với dân tộc Việt Nam. Cùng với cả nước,  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã không ngừng nỗ lực làm theo những lời Người căn dặn, xây dựng quê hương Hải Dương ngày càng giàu đẹp.

HÙNG NGA

(0) Bình luận
Xúc động khi nghe Di chúc của Bác