Bảo vệ môi trường từ việc nhỏ

25/06/2020 08:05

Mỗi người nên suy nghĩ rằng những việc dù nhỏ mà có lợi cho môi trường cần hết sức làm. Những việc hại cho môi trường, dù nhỏ cũng phải hết sức tránh.

Gần đây, khi tôi đang thư thái tận hưởng không khí trong lành ở quê thì nhận được cuộc điện thoại của ông Nguyễn Văn Khang, một người đam mê nghiên cứu về môi trường, cũng là một trong những người có công đầu trong phát hiện, gìn giữ Đảo Cò ở Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Ông nói: "Báo cho Tuân một tin vui, đàn cò ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) đã trở lại vườn đông đúc như trước rồi".  Vườn cò mà ông Khang nói chỉ cách nơi tôi đứng chừng 400 m. Nhiều tháng trước, một số người mang theo flycam về quay hình ảnh vườn cò khiến chúng sợ bay đi nhiều. Biết chuyện, ông Khang về giúp chủ vườn cò đặt mồi để nhử chúng trở lại, giờ thì chúng đã trở về.  

Ông Khang là một người tâm huyết, trách nhiệm, muốn bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất. Ông từng cất công sưu tầm các loại trúc để tạo nên khu vườn trúc độc đáo trong một ngôi chùa. Có lần thấy đơn vị thi công sử dụng rọ đá để kè Đảo Cò là cách làm không phù hợp vì làm cò sợ hãi bỏ đi, ông liền viết 1 bài báo đăng báo Hải Dương để cảnh báo và góp ý các biện pháp khắc phục.

Cũng trong hôm ấy khi từ vườn trở về nhà, tôi thấy một anh đi phun thuốc trừ sâu. Khi đến chỗ đặt bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, anh ném vỏ bao bì đựng thuốc trừ sâu vào bể nhưng không trúng.  Mặc kệ chiếc vỏ, anh vẫn tăng ga xe máy đi tiếp. Một hành vi nhỏ nhưng lại gây hại cho môi trường, bởi vỏ thuốc đó nếu không được thu dọn sẽ lẫn vào đất, rất lâu phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.

Hai sự việc diễn ra trong thời gian ngắn cho thấy ý thức khác nhau dẫn tới những hành động khác nhau. Người có ý thức tốt sẽ luôn làm những việc có ích cho môi trường và người ý thức kém sẽ làm hại môi trường.

Những sự việc đối lập trong cuộc sống gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm, trăn trở về ý thức, hành động bảo vệ hoặc phá hoại môi sinh. Ở Việt Nam, nhiều người khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng thường không quan tâm giữ gìn sạch sẽ. Người sau thấy người trước để bẩn nên cũng để bẩn theo. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia phát triển, cứ 10-15 phút lại có người dọn dẹp, người đi vệ sinh cũng chú ý giữ gìn, trong nhà vệ sinh còn có nhạc du dương, các bức tranh đẹp... Hay như ở Việt Nam, hành vi xả rác, phóng uế bừa bãi ở nơi công cộng nhiều người cho là bình thường. Nhưng ở nhiều quốc gia tiên tiến, việc này sẽ bị coi thường, bị phạt tiền. 

Những hành vi làm hại thiên nhiên, đầu độc môi trường đã phổ biến tới mức nhiều người thờ ơ, vô cảm. Những hành vi tốt để bảo vệ môi trường dù là nhỏ như thu gom rác, gạch đá rơi vãi trên đường cho vào nơi quy định thậm chí bị nhiều người cho là dở hơi. Thực tế cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của đa số người dân Việt Nam còn kém. Không ít người nghĩ rằng vứt rác ra đường, đi vệ sinh không xả nước... chỉ là những việc nhỏ, chẳng gây hại gì tới môi trường. Đó là tư duy sai lầm. Nhiều hành vi nhỏ cộng lại sẽ gây ra ô nhiễm lớn. 

Tôi từng đọc cuốn sách "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi" của tác giả Andrew Matthews. Đại ý chủ đề cuốn sách nói rằng sự thay đổi cuộc đời mỗi người, sự thay đổi thế giới bắt nguồn từ sự thay đổi trong tư duy, hành vi dù là rất nhỏ bé của mỗi người. Nếu không có những sự thay đổi bé nhỏ ấy cũng sẽ không có những sự thay đổi, kết quả lớn lao. Ở góc độ bảo vệ thiên nhiên, chủ đề Tháng hành động vì môi trường năm nay là "Hành động vì thiên nhiên". Tôi cho rằng trước hết mỗi người cần vì thiên nhiên mà làm những hành động nhỏ nhưng có ích, thiết thực. Muốn thay đổi từ hành vi nhỏ, trước tiên phải thay đổi tư duy. Mỗi người nên suy nghĩ rằng những việc dù nhỏ mà có lợi cho môi trường cần hết sức làm. Những việc hại cho môi trường, dù nhỏ cũng phải hết sức tránh. 


NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ môi trường từ việc nhỏ