Cần làm rõ hai thông tin chưa thống nhất ở di tích động Kính Chủ

30/01/2019 08:21

Động Kính Chủ thuộc xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) trở thành di tích quốc gia từ năm 1962 và di tích quốc gia đặc biệt năm 2017.

Người xưa đã tôn tạo động Kính Chủ thành chùa, gọi là chùa Kính Chủ. Hồ sơ động Kính Chủ được ngành văn hóa chuẩn bị rất kỹ và đầy đủ. Tuy nhiên đến nay, tại di tích này vẫn có điểm không thống nhất.

Thứ nhất, tại bài giới thiệu di tích động Kính Chủ với nhan đề: “Kính Chủ: Nam thiên đệ lục động” của nhà sử học Tăng Bá Hoành do Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn phát hành có viết, chùa Kính Chủ không chỉ thờ Phật mà còn thờ một số nhân vật khác, trong đó có Lý Thần Tông.

Theo tôi hiểu, Lý Thần Tông mà tác giả nói ở đây chính là vua Lý Thần Tông. Ông có tên thật là Lý Dương Hoán, vị vua thứ 5 triều Lý. Ông thực hiện chính sách cai trị khoan dung và duy trì sự ổn định lâu dài, đại xá cho phạm nhân, trả ruộng đất cho quân dân trước đó bị tịch thu trái phép. Ông cũng thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông", cắt cử binh lính thay nhau 6 tháng một lần về làm ruộng. Do đó, sản xuất nông nghiệp của Đại Việt phát triển.

Trong khi đó, tại giấy ghi nhận công đức cho hàng nghìn du khách và đệ tử thì Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn lại viết: Chùa Kính Chủ không chỉ thờ Phật mà còn thờ một số nhân vật khác, trong đó có Lý Thánh Tông.

Cũng theo tôi hiểu, nhân vật Lý Thánh Tông này chính là vua Lý Thánh Tông. Tên thật của ông là Lý Nhật Tôn, vị vua thứ 3 triều Lý. Ông là người có hoài bão lớn, muốn xây dựng nước nhà thành một quốc gia hùng mạnh nên đã đổi quốc hiệu thành Đại Việt. Ông còn là người yêu nước thương dân, hiểu nỗi đau, vất vả, sự bất công và oan ức ở các miền thôn dã nên đã giảm nhẹ hình phạt với phạm nhân, miễn, giảm thuế...

Lý Thần Tông và Lý Thánh Tông là hai nhân vật lịch sử hoàn toàn khác nhau về danh phận, miếu hiệu, thân thế và sự nghiệp. Chúng tôi rất mong ngành văn hóa kiểm tra, xác minh, kết luận chính xác Lý Thần Tông hay Lý Thánh Tông được thờ ở chùa Kính Chủ.

Thứ hai, tác giả Tăng Bá Hoành viết, có trên 40 tấm bia của du khách trên vách động, trong khi đó Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn lại viết có trên 50 tấm bia. Đây là hai số liệu vênh nhau rất lớn. Điều đáng nói hai số liệu ấy do một cơ quan có trách nhiệm phát hành.

Mùa lễ hội sắp bắt đầu, chúng tôi đề nghị ngành văn hóa xác minh làm rõ về những thông tin còn chưa thống nhất ở động Kính Chủ nói trên.

LÊ ĐÌNH VƯỢNG (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần làm rõ hai thông tin chưa thống nhất ở di tích động Kính Chủ