Cần sát sao trong công tác giảm nghèo

28/02/2020 08:15

Để giảm nghèo hiệu quả, bền vững cần kết hợp tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng thời mỗi địa phương cần sát sao hơn, có biện pháp quan tâm cụ thể đến từng hộ nghèo.

Năm 2020 là thời điểm kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tỉnh ta đã đặt mục tiêu trong năm 2020 phấn đấu giảm 3.000 hộ nghèo và 2.000 hộ cận nghèo.

Nếu đạt mục tiêu trên, về cơ bản Hải Dương hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn. Nhưng trên thực tế tỉnh vẫn còn gần 9.500 hộ nghèo và hơn 14.000 hộ cận nghèo. 

Mong muốn của chúng ta không chỉ giảm nghèo đạt chỉ tiêu đặt ra mà còn phải giảm sâu hơn nữa. Để giảm nghèo hiệu quả, bền vững cần kết hợp tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo theo quy định, đồng thời mỗi địa phương cần sát sao hơn, có biện pháp quan tâm cụ thể đến từng đối tượng thuộc diện hộ nghèo.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là khoanh vùng các đối tượng có thể hỗ trợ thoát nghèo. Kết quả điều tra vào cuối năm 2019 của tỉnh chỉ ra rằng trong số các hộ nghèo có 2.504 hộ thiếu vốn sản xuất, 428 hộ thiếu đất canh tác, 874 hộ thiếu phương tiện sản xuất, 574 hộ không có việc làm, 1.011 hộ không có tay nghề, không biết cách làm ăn...

Đây là những hộ có thể thoát nghèo nếu được quan tâm và giải quyết đúng nhu cầu. Để hỗ trợ nhóm đối tượng này không quá khó song cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể.

Chúng ta đang có nhiều chính sách ưu đãi đối với người nghèo, nhất là chính sách về tín dụng, hỗ trợ sinh kế, dạy nghề. Các địa phương cần bám sát vào những chủ trương này để áp dụng hiệu quả nhất đối với hộ nghèo thuộc diện quản lý. Có thể phân công các tổ chức, đoàn thể nắm bắt, thậm chí là "cầm tay chỉ việc" giúp người nghèo khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Giảm nghèo phải bền vững bởi nếu không người dân rất dễ rơi vào diện tái nghèo. Năm 2019, tỉnh ta vẫn có 218 hộ tái nghèo, 212 hộ tái cận nghèo. Đây là những hộ có đủ yếu tố để thoát nghèo và năm trước đó họ đã làm được. Để những hộ này rơi vào diện tái nghèo cho thấy công tác quản lý, nắm bắt của các địa phương vẫn còn hạn chế, chưa sát sao cùng với những biện pháp cụ thể để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Đáng mừng là cuối năm 2019 tỉnh ta không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng. Nhưng chúng ta vẫn còn 5.238 hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội.

Đây là những hộ có thể có một hoặc nhiều nhân khẩu là người già không còn sức lao động, người khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ... Họ sống dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước, địa phương.

Đối với những hộ này chúng ta thường gọi là "hộ nghèo bền vững", rất khó để thoát nghèo bằng cách hỗ trợ phát triển kinh tế thông thường. Bởi vậy, ngoài nguồn lực bảo trợ xã hội theo quy định thì các địa phương, tổ chức, đoàn thể cần tích cực phối hợp, có biện pháp quan tâm hỗ trợ thiết thực nhất.

Các tổ chức, đoàn thể có thể đứng ra làm cầu nối để huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ có địa chỉ theo hướng định kỳ lâu dài cho nhóm đối tượng trên. Việc làm này có thể chưa giúp họ thoát nghèo nhưng có thể giúp họ nâng cao mức sống theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".

NGỌC THANH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần sát sao trong công tác giảm nghèo