Chăm chút cho những “người bạn cũ”

14/12/2019 07:13

Để những “người bạn cũ” của nhà nông được hiện diện ở những thị trường mới trong vị thế cao hơn, chúng ta cần đẩy mạnh những cách thức sản xuất hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thế giới...

Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ giữa năm đến nay, giá nhiều loại nông sản như sầu riêng, thanh long, chanh leo, mít… sụt giảm do Trung Quốc siết chặt hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch.

Trong 11 tháng năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này của cả nước giảm tới 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là hệ quả đã được báo trước của việc phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch.

Trong bối cảnh đó, những gì Hải Dương đã và đang chuẩn bị cho xuất khẩu nông sản chính ngạch càng được khẳng định là những bước đi đúng đắn và vững chắc.

Đến nay, Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 80 mã số vùng trồng dưa hấu, chuối, vải, nhãn và 116 cơ sở đóng gói trái cây xuất sang Trung Quốc.

Để không bị phụ thuộc vào một thị trường, từ nhiều năm nay tỉnh đã tìm cách xuất khẩu nông sản vào những thị trường khó tính hơn như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Người dân đã từng bước nâng cao nhận thức về sản xuất nông nghiệp, đầu tư vào chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được mở rộng. Một số hộ nông dân chuyển sang canh tác hữu cơ nhằm mang lại vị thế mới cho rau quả quê nhà.

Xu hướng của sản xuất nông nghiệp hiện đại là chú trọng vào chất lượng chứ không phải tìm cách gia tăng sản lượng càng nhiều càng tốt. Chất lượng sản phẩm được nâng lên sẽ đi đôi với giá bán sản phẩm cao hơn, đồng thời tạo uy tín tốt, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm nông nghiệp truyền thống phát triển theo hướng này đang mang lại thu nhập ngày một tốt hơn cho người dân mà ở tỉnh ta điển hình là cây vải thiều.

Gắn bó và tìm cách phát triển những sản phẩm truyền thống, những “người bạn cũ” của nhà nông theo những hướng đi mới là cách nâng cao thu nhập vững chắc và có ý nghĩa trong ổn định đời sống xã hội khi người nông dân không phải rời bỏ đồng ruộng, quê hương mình.

Đây cũng là hướng đi có thể mở rộng trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hải Dương vốn có nhiều làng nghề có tiếng như gốm Chu Đậu, vàng bạc Châu Khê, thêu ren Xuân Nẻo, chạm khắc gỗ Đông Giao…

Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước từ nhiều năm nay. Song với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng, chúng ta vẫn có thể tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, thậm chí với cả những sản phẩm tưởng chừng trước nay chỉ dành cho người Việt Nam như chiếc lược bí của làng Vạc (xã Thái Học, Bình Giang) được xuất khẩu sang Campuchia.

Bên cạnh những cách tiêu thụ truyền thống, cần đa dạng hóa các kênh bán hàng, đặc biệt là thương mại điện tử. Đây là cơ hội để sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống tiếp cận với khách hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Hiện trên sàn thương mại điện tử Amazon có những sản phẩm truyền thống của Việt Nam được bán khá chạy như chổi đót, nón lá, túi mây tre đan… Vì vậy, có thể thấy những sản phẩm làng nghề có tiếng của Hải Dương cũng hoàn toàn có thể có cơ hội tương tự.

Để những “người bạn cũ” của nhà nông được hiện diện ở những thị trường mới trong vị thế cao hơn, chúng ta cần đẩy mạnh những cách thức sản xuất hiện đại, phù hợp với xu thế chung của thế giới như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt hợp chuẩn quốc tế về chất lượng, xã hội, môi trường…

Đồng thời tăng cường các chính sách hỗ trợ cho các đơn vị thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu… vì đây là những đơn vị trực tiếp kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng và bảo đảm sản phẩm tiếp cận với các thị trường mới.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm chút cho những “người bạn cũ”