Chủ động tiêu thụ quả vải

07/05/2020 08:49

Dự báo năm nay sẽ được mùa vải, người trồng phải nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Những ngày này, nông dân Hải Dương bắt đầu vào vụ thu hoạch vải sớm. Đây cũng là lúc người trồng vải phải nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong một vụ vải dự báo sẽ được mùa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng vải của Hải Dương năm nay dự kiến đạt khoảng 45.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với năm 2019. Trà vải sớm đạt khoảng 20.000 tấn, vải thiều khoảng 25.000 tấn. Nguồn cung vải càng lớn trong khi thị trường xuất khẩu khó khăn thì việc tìm đầu ra cho quả vải càng cần được các địa phương cũng như cơ quan chức năng sớm tính toán.

Người dân ở một số vùng trồng vải đang lo lắng vì rất ít người hỏi mua, khác hẳn mọi năm thương lái đến tận vườn đặt cọc từ khi quả còn chưa chín. Lo lắng của nhà nông là có cơ sở. Nhiều năm trước, sản lượng vải được xuất khẩu chiếm tới hơn 40% tổng sản lượng của tỉnh. Ở nhiều thị trường trước đây xuất khẩu vải thuận lợi như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu thì nay còn đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, nền kinh tế của họ bị ảnh hưởng nên việc xuất khẩu quả vải sẽ không dễ dàng.

Ngoài xuất khẩu thì năm nay việc mở rộng thị trường tiêu thụ vải ở trong nước cần được quan tâm hơn những năm trước. Đến thời điểm này, hoạt động giao thương, đời sống ở nhiều nơi trong cả nước đang dần trở lại bình thường. Các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống đã hoạt động trở lại. Người dân không phải thực hiện giãn cách xã hội, là cơ hội cho quả vải được tiêu thụ nội địa sẽ khả quan hơn.

Việc sơ chế, chế biến vải thành những sản phẩm khác có thể bảo quản và bán trong thời gian dài thay vì chỉ bán quả tươi cũng có thể là cách làm hay trong thời điểm thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Quả vải hoàn toàn có thể sấy khô, làm nước ép, làm rượu vang, chế biến vải thiều tươi thành bánh, mứt, kẹo... Cách làm này đã được nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới áp dụng. Câu chuyện về chiếc bánh mỳ thanh long hay bún, miến dưa hấu... đã được thực hiện ngay từ khi dịch Covid-19 vừa mới tác động đến thị trường nông sản của nước ta là một ví dụ có thể áp dụng cho quả vải. Đó là cách "biến nguy thành cơ" có thể khắc phục được tình trạng cứ mất mùa được giá lại phải kêu gọi giải cứu.

Mấy năm gần đây, việc tiêu thụ quả vải của Hải Dương có nhiều thuận lợi do từ nông dân đến các cơ quan liên quan của tỉnh đã chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, thay vì lo lắng, nông dân và các cơ quan chuyên môn cần chủ động tìm hướng tiêu thụ cho quả vải trong tình hình mới. Nông dân cần tập trung chăm bón thật tốt để có những quả vải chất lượng, nhất là thực hiện tốt quy trình chăm sóc an toàn, có thể tiêu thụ thuận lợi cả trong nước và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu tốt hơn trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động tiêu thụ quả vải