Chuyển đổi số và chi phí ''làm nhanh''

23/08/2020 16:34

Cảm nhận của anh bạn đồng nghiệp khi thực hiện thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia là nhanh thật.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công thứ 1000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Hiện nay, ở Hà Nội, các văn phòng dịch vụ nhà đất thường nhận làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (còn gọi là sổ đỏ) cho các tổ chức, cá nhân với 2 mức giá: Làm bình thường và làm nhanh. Làm bình thường có nghĩa là thời gian trả kết quả đúng theo quy định của pháp luật, khoảng 3 tuần. Còn làm nhanh thì chỉ trong vòng 1 tuần. Chi phí làm nhanh tất nhiên là cao gấp đôi làm thường. Ai cũng hiểu phần chênh lệch này là chi phí “phi chính thức” để có được kết quả nhanh chóng.

Trong nhiều trường hợp, nhất là với giới kinh doanh, thời gian là vàng bạc theo đúng nghĩa đen. Chậm 1 ngày không chỉ mất đi cơ hội kinh doanh mà còn phải trả nhiều chi phí như thuê mặt bằng, lãi ngân hàng, lương nhân viên… Vì vậy mà khi đi làm các thủ tục hành chính, dân gian hay gọi là đi “chạy” thủ tục, “chạy” giấy phép… Việc công khai, minh bạch, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính luôn là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là điều mong mỏi không chỉ của các doanh nghiệp mà còn là của cả xã hội.

Chính vì thế, sự kiện công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tuần qua đã làm “nức lòng” bạn đọc. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 8 tháng vận hành đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; tích hợp, cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến; có gần 56,4 triệu lượt truy cập, hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 260.000 hồ sơ được thực hiện. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Chính phủ điện tử quốc gia và các đại biểu trải nghiệm dịch vụ công quốc gia qua việc bấm biển số tại Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội

Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Trong năm 2020 này, mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cũng xin nói thêm, Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13.62011 của Chính phủ đã phân loại dịch vụ công trực tuyến thành 4 mức độ. Theo đó, mức độ 4 là mức độ cao nhất với tiêu chí: bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến; việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Hay nói cách khác, người dân hoàn toàn có thể ngồi nhà để thực hiện các thủ tục mà không cần mất thời gian đến cơ quan nhà nước xếp hàng như trước.

Khi nói về ưu điểm của nền hành chính số, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, công nghệ hay máy móc sẽ khắc phục được những điểm yếu của hoạt động công vụ do con người thực hiện như: du di, yêu ghét, duy tình, thiên vị, duy ý chí, ngại va chạm, phân biệt đối xử… Một điều cũng dễ nhận thấy là trong nhiều vụ án tham nhũng bị đưa ra ánh sáng trong thời gian qua, nhiều quyết định phê duyệt, cấp phép bỗng trở nên “thần tốc” trong một thời gian ngắn mà các doanh nghiệp, người dân bình thường vốn chỉ có “mơ”.

Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số". Dịch COVID-19 bùng phát lại càng là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Khi các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch thì những chi phí “làm nhanh” như nói trên sẽ giảm thiểu, và thậm chí Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm soát và thu thuế, công chức có thể đàng hoàng nhận thu nhập làm thêm ngoài giờ khi phục vụ doanh nghiệp, nhân dân.

TRẦN NGỌC TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số và chi phí ''làm nhanh''