Chuyển đổi vị trí công tác để kiểm soát quyền lực

10/10/2019 07:08

Nhiều cán bộ, người dân đồng tình khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Đây là một quy định cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; cũng là một bước phòng chống những tiêu cực trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Một nội dung được nhiều người chú ý là điều động, chuyển đổi vị trí công tác (CĐVTCT) để kiểm soát quyền lực.

Điều 3 của quy định nêu một nhiệm vụ đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị là điều động, CĐVTCT đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.

Nhiều người hy vọng quy định này sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực của những người làm công tác nhân sự, theo dõi công tác cán bộ vì nêu thời hạn cần CĐVTCT là "đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết".

Vì sao đặt ra thời hạn cần CĐVTCT như trên? Thực tế cho thấy nếu không có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt thì những người làm công tác nhân sự lâu năm rất dễ có hành vi tiêu cực, có thể dùng quyền lực của mình để trục lợi, nhất là đối với những cán bộ thoái hóa, biến chất.

Các quy định pháp luật hiện hành đã nêu khá rõ về CĐVTCT. Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1.7.2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng đã nêu danh mục vị trí công tác cần chuyển đổi ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công tác cán bộ.

Đó là các vị trí công tác liên quan đến thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ cụ thể hóa quy định về CĐVTCT đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ thành chính sách, pháp luật, chế tài.

Song vấn đề cần quan tâm là làm sao thực hiện tốt quy định này trong thực tế? Từ năm 2007, Chính phủ đã có Nghị định 158/2007/NĐ-CP quy định về CĐVTCT đối với cán bộ, công chức, viên chức (nay đã hết hiệu lực).

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện nghị định trên cho thấy số lượng người CĐVTCT còn ít. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm hoặc nặng tính hình thức, đối phó.

Còn tình trạng cán bộ thuộc diện phải chuyển đổi móc ngoặc với người có thẩm quyền để không phải chuyển đổi do vị trí công tác được coi là có nhiều quyền lợi, dễ trục lợi. Những hạn chế này cần được khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới.

Thời hạn phải CĐVTCT theo Quy định số 205- QĐ/TW chưa thật rõ ràng. Quy định nêu thời hạn điều động, CĐVTCT đối với những người được phân công làm công tác nhân sự hoặc theo dõi công tác cán bộ tại một địa bàn, lĩnh vực đã đảm nhiệm công việc 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết.

Vậy trường hợp phải CĐVTCT "khi thấy cần thiết" là khi nào và áp dụng với trường hợp nào? Điều này cần có hướng dẫn chi tiết hơn.

Theo chúng tôi, các trường hợp phải CĐVTCT khi thấy cần thiết là những người đó có sức khỏe, năng lực không đáp ứng được yêu cầu; có vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, nội quy, quy chế song chưa đến mức phải kỷ luật; những người có nhu cầu chuyển đổi chính đáng.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi vị trí công tác để kiểm soát quyền lực