Coi trọng cán bộ dân vận

05/01/2021 08:38

Các cấp ủy đảng phải thực sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận và cán bộ dân vận. Việc đánh giá, đào tạo, sử dụng cán bộ dân vận cần được coi trọng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận (CTDV) nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tổng kết CTDV năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 sáng 31.12.2020, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm CTDV. 

Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Vượng đã nói lên một thực trạng đáng lo ngại trong những năm qua là vẫn còn một số cấp ủy đảng xem nhẹ CTDV nói chung, cán bộ dân vận nói riêng. Có những cán bộ năng lực hạn chế, bị "thất thế", thậm chí đạo đức không trong sáng lại được bố trí làm CTDV, có nơi còn làm lãnh đạo Ban Dân vận. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ làm CTDV chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ban Dân vận ở một số địa phương giống như một "bến đỗ" dành cho những người không còn khả năng phát triển.

Cũng có nơi coi trọng chức Trưởng Ban Dân vận vì chức này sẽ là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, nhiều người chỉ muốn làm Trưởng Ban Dân vận để được vào Ủy viên Ban Thường vụ, sau đó để chuyển sang vị trí khác tốt hơn, mà không tâm huyết với CTDV, không có năng lực tốt đảm đương nhiệm vụ. 

Nguyên nhân của tình trạng trên do một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của CTDV, cán bộ làm CTDV, cho rằng CTDV là việc của các Ban Dân vận; không ít cán bộ dân vận còn chưa quan tâm tự đào tạo, rèn luyện; công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ dân vận còn hạn chế. 

Năm 1949, Bác Hồ cũng từng chỉ ra hạn chế này: "Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại... Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại".

Bác Hồ cũng từng dạy: "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Chân lý này đã được kiểm nghiệm hoàn toàn đúng đắn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước ta. Điều 1 Quy chế CTDV của hệ thống chính trị cũng khẳng định dân vận và CTDV là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. CTDV là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Những tư tưởng xem nhẹ CTDV, cán bộ dân vận phải bị đấu tranh, loại trừ. Muốn CTDV vững mạnh thì phải có đội ngũ cán bộ làm CTDV vừa có tài, vừa có đức, bởi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", là "then chốt của then chốt". Do đó, các cấp ủy đảng phải thực sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của CTDV nói chung, công tác cán bộ dân vận nói riêng. Việc đánh giá, đào tạo, sử dụng cán bộ dân vận cần được coi trọng. CTDV có đặc thù riêng, nên ngoài các tiêu chuẩn theo quy định, cán bộ dân vận phải được đào tạo, am hiểu và có kỹ năng làm công tác vận động quần chúng, phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín với nhân dân. Mỗi cán bộ dân vận cần tâm huyết với công việc, không ngừng tu dưỡng đạo đức, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực công tác, phải thấm nhuần và luôn áp dụng phong cách dân vận "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân".

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Coi trọng cán bộ dân vận