Con học hay bố mẹ học?

31/12/2019 07:40

Trường học của con gái tôi vừa tổ chức một hoạt động được cho là rất có ý nghĩa trong giáo dục học sinh.

Nhà trường phát động các em sử dụng các sản phẩm nhựa, giấy đã qua sử dụng để tạo ra các sản phẩm thủ công có ích như lọ hoa, chậu trồng cây cảnh, các vật dụng trang trí... Các sản phẩm sau đó được trưng bày, bán lấy tiền gây dựng quỹ nhân đạo từ thiện.

Ý tưởng ban đầu đúng là rất tốt, vừa giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, vừa khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, biết giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cách làm của trường thì tôi cứ thấy gờn gợn.

Gợn bởi vì học sinh được phát động làm sản phẩm thủ công mới 6-11 tuổi. Hầu hết các em muốn làm ra sản phẩm đều phải có sự hỗ trợ của bố mẹ.

Để có sản phẩm đẹp mắt thì nguyên liệu là rác thải nhựa hay giấy thôi chưa đủ, cần đầu tư thêm nhiều thứ nữa. Nhiều em sau khi nhìn sản phẩm của các bạn được chia sẻ liền tự ti với sản phẩm của mình, không dám mang đến lớp, nhất quyết đòi bố mẹ phải làm cho sản phẩm đẹp hơn.

Rốt cuộc việc làm sản phẩm thủ công của học sinh lại trở thành "cuộc đua" của các bậc phụ huynh xem ai khéo tay hơn. Khi sản phẩm được trưng bày, các em lại xin tiền bố mẹ để có thể mua một sản phẩm nào đó, góp phần gây quỹ. Như vậy, cuối cùng vẫn là phụ huynh góp tiền để gây dựng quỹ nhân đạo từ thiện cho trường.

Tôi tin chắc nếu nhà trường phát động việc gây quỹ, phụ huynh sẽ sẵn lòng tham gia. Để giáo dục học sinh làm việc này cũng có nhiều cách, ví dụ như ngay từ đầu năm kêu gọi các em tiết kiệm tiền ăn quà vặt, thu gom giấy vụn, rác thải nhựa để bán lấy tiền ủng hộ bạn nghèo; góp sách cũ, tặng vở mới cho bạn...

Để bảo vệ môi trường cũng có nhiều cách phù hợp với học sinh hơn là lấy danh nghĩa của các em để người lớn phải vào cuộc. Tôi vẫn thích những giờ học thủ công hoặc ngày hội ý tưởng sáng tạo, khéo léo để học sinh thể hiện khả năng của mình dưới sự dẫn dắt của giáo viên hơn là giao cho bố mẹ.

Lẽ dĩ nhiên ở gia đình, các bậc cha mẹ cũng muốn đồng hành cùng con nhưng nhất thiết không phải là làm thay con. Với cách giáo dục học sinh của nhiều trường như hiện nay, ước mơ nho nhỏ này của phụ huynh cũng quá xa vời.

Một câu chuyện tưởng xưa như Trái đất vẫn đang diễn ra. Gần đến kỳ kiểm tra chất lượng cuối học kỳ, nhiều giáo viên dạy tiểu học lại giao cho học sinh nhiệm vụ học thuộc các bài văn đã làm hoàn chỉnh theo những dạng đề khác nhau. Hình thức học tủ này quả thật đã làm các em không còn ý thức sáng tạo và sự cố gắng.

Không ai dám chắc rằng bài đã viết ra là bài làm tốt nhất, cho dù là một bài tập làm văn đơn giản thì để mỗi lần viết là một lần sáng tạo chẳng phải sẽ tốt hơn là việc đi theo lối mòn? Thế nhưng bao nhiêu năm trôi qua, cách giảng dạy này vẫn không hề thay đổi.

Việc sử dụng sách giáo khoa mới trong năm học tới đây đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng chương trình giáo dục hiện nay đang quá nặng, làm cho các thầy cô và học sinh đều quá tải.

Người ta kỳ vọng bộ sách giáo khoa mới được chọn sẽ giảm bớt gánh nặng này. Điều quan trọng vẫn ở cách dạy và học. Chương trình mới sẽ chẳng có ý nghĩa nếu cô giáo vẫn theo cách làm cũ, khiến học sinh thụ động, ỷ lại vào bố mẹ, thầy cô từ bài làm thủ công cho đến bài tập làm văn.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con học hay bố mẹ học?