Công khai, minh bạch, giám sát từ đầu để thực hiện tốt nhất Nghị quyết 42

06/05/2020 12:04

Để bảo đảm hỗ trợ nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách trong thực hiện Nghị quyết 42 cần có sự công khai, minh bạch, giám sát từ đầu.

Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một chính sách kịp thời, hợp lòng dân, làm tăng sự tin tưởng, gắn bó giữa người dân với Đảng, Nhà nước. Tuy mức hỗ trợ đối với mỗi cá nhân không nhiều, nhưng trong điều kiện nguồn tài chính còn khó khăn thì đó là sự chia sẻ, động viên kịp thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với mỗi người dân trên tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" và mang tính nhân văn sâu sắc. 

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nghị quyết là một vấn đề rất quan trọng. Để bảo đảm hỗ trợ nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần bám sát các nguyên tắc đã đề ra trong nghị quyết. Đó là hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách trở lên tại nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Thực hiện nghiêm nguyên tắc trên sẽ tránh được tình trạng bình quân, dàn trải, trục lợi chính sách hoặc bỏ sót đối tượng.

Thứ hai, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền, doanh nghiệp. Trong 7 nhóm đối tượng được xem xét hỗ trợ, có nhóm là công nhân lao động trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động (nhóm số 1), lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách người lao động mất, thiếu việc làm. Chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm về các nhóm: người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (nhóm số 4); người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng (nhóm số 5); đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (nhóm số 6) và hộ nghèo, cận nghèo (nhóm số 7).

Thứ ba, công khai, minh bạch và giám sát ngay từ đầu. Mọi công việc của các cơ quan, chính quyền, doanh nghiệp đều bắt đầu từ việc rà soát, lập danh sách các đối tượng được hỗ trợ. Lúc này, các cơ quan, đơn vị đại diện cho người lao động, người dân tham gia giám sát ngay từ khâu lập danh sách, trong đó công khai, minh bạch để mọi người trong đơn vị, thôn, khu dân cư được biết, tham gia giám sát về danh sách, đối tượng được hưởng. Việc này sẽ tránh được tình trạng bỏ sót hoặc trùng lặp, không đúng đối tượng. 

Trong các nhóm đối tượng được hỗ trợ, việc xác định người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm là khá phức tạp. Nhóm này phổ biến ở khu vực nông thôn, đó là những nông dân làm việc và được trả lương theo ngày trong các doanh nghiệp, hoặc nhóm lao động phi nông nghiệp như thợ xây dựng, buôn bán nhỏ, làm trong các HTX tiểu thủ công nghiệp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể... Đây là nhóm đối tượng rất khó xác định ai là người đã bị mất việc làm, mất việc bao nhiêu thời gian. Nếu không rà soát kỹ và công khai danh sách thì dễ dẫn đến sai sót.

Một nhóm đối tượng dễ bị sót, bị trùng là nông dân rời quê (bỏ sản xuất nông nghiệp) lên các thành phố, đô thị làm thuê, làm ô sin... Ai sẽ là người lập danh sách, ở thôn, khu dân cư, hay là nơi người đó tạm trú?

Thứ tư, có sự phân công, phối hợp giám sát, không để trùng, không để sót. HĐND các cấp với tư cách giám sát của cơ quan quyền lực nên tập trung giám sát, đồng thời đôn đốc các cơ quan chức năng của Nhà nước tích cực triển khai thực hiện nghị quyết, giải quyết chính xác, không gây phiền hà cho các đối tượng được thụ hưởng. Với tư cách là chủ thể giám sát xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp cần phối hợp, phân công các đoàn thể chính trị-xã hội, mỗi đoàn thể giám sát một số nhóm đối tượng.

Mong rằng, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự tham gia giám sát ngay từ đầu của HĐND, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, Nghị quyết 42 của Chính phủ sẽ được thực thi nhanh chóng, đạt hiệu quả tốt.

LƯƠNG ANH TẾ

Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công khai, minh bạch, giám sát từ đầu để thực hiện tốt nhất Nghị quyết 42