Đánh ghen thời công nghệ

27/09/2020 11:02

Với những hình ảnh được ghi lại và lan truyền trên mạng, những người đi đánh ghen đã tự tạo bằng chứng tố cáo chính việc làm vi phạm pháp luật của mình.

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao với những vụ đánh ghen bị tung hình ảnh, clip lên mạng xã hội. "Nhân vật chính" đi đánh ghen và chủ động đưa lên Facebook là những người có học thức, điều kiện kinh tế tốt.

Chuyện đánh ghen vốn không lạ lẫm gì, thậm chí còn khá phổ biến từ xưa đến nay. Chẳng thế mà tranh Đông Hồ còn có bức miêu tả cảnh đánh ghen như một cảnh huống xã hội bình thường. Nhưng ở thời đại ngày nay, khi công nghệ phát triển như vũ bão, mạng xã hội trở nên khá phổ biến, thì đánh ghen cũng được "nâng tầm" với những sắc màu mới. Không chỉ là cảnh xô xát “ngứa ghẻ, hờn ghen” giữa những người phụ nữ có cùng mối quan hệ với một người đàn ông cùng sự chứng kiến của một số người xung quanh mà khi cảnh đó được ghi lại bằng hình ảnh, clip tung lên mạng xã hội thì lập tức có hàng trăm, hàng nghìn người xem. Những người vợ được coi là nạn nhân trong câu chuyện ngoại tình chủ động ghi lại hình ảnh đưa lên mạng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ với nhiều mục đích. Nhưng những hệ lụy từ cách đánh ghen thời công nghệ này có lẽ không phải ai cũng lường hết được.

Với việc tung lên mạng xã hội, hình ảnh đánh ghen được lan truyền nhanh chóng, rộng rãi tới đông đảo người xem trong một khoảng thời gian ngắn, đa phần là những người không có mối quan hệ quen biết với các nhân vật trong câu chuyện. Kéo theo đó là muôn vàn những ý kiến đánh giá, bình phẩm khác nhau. Tất cả đều được lưu lại trên không gian ảo và có thể được tìm thấy dễ dàng trong nhiều năm sau đó. Công nghệ lưu trữ hiện đại này còn vững bền hơn “bia đá” và góp phần củng cố “bia miệng” trong khoảng thời gian lâu dài. Điều đó đồng nghĩa với việc tiếng xấu của những người tham gia đánh ghen được lưu giữ, lan truyền không kiểm soát được. Nó có thể gây ra những tác động tâm lý không tốt đối với những người liên quan như bố mẹ, con cái của những người trong vụ đánh ghen. Thử tưởng tượng cảnh một đứa trẻ đến trường, gặp hàng xóm, người quen cũng có thể được nghe bình phẩm về hành vi không mấy tốt đẹp của bố mẹ mình. Hẳn là đứa trẻ ấy khó lòng có thể thấy dễ chịu. Cảm giác tủi thân thậm chí sẽ còn đi theo nó đến mãi sau này... Khi đứa trẻ lớn lên, có thể một lúc nào đó hình ảnh cuộc đánh ghen khi xưa của cha mẹ khiến người ta không khỏi cảm thấy xấu hổ, bối rối. Những người không quen biết sẽ nhanh chóng quên câu chuyện đánh ghen bởi các thông tin “nóng” luôn đầy rẫy trên mạng, nhưng những tổn thương thì sẽ còn mãi.

Đánh ghen có thể được một số người đồng tình, ủng hộ do cảm thông với lý do của hành vi đó. Song hành hung, làm nhục người khác trước đám đông là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự nếu gây ra thương tích từ 11% trở lên. Với những hình ảnh được ghi lại và lan truyền trên mạng, những người đi đánh ghen đã tự tạo bằng chứng tố cáo chính việc làm vi phạm pháp luật của mình. 

Ngoại tình là hành vi sai trái, song không nên dùng một hành vi tiêu cực này để xử lý một hành vi tiêu cực khác, nhất là khi chưa lường hết những hậu quả có thể xảy ra. Nhiều quy định của pháp luật đã được xây dựng để bảo vệ quyền lợi của người đã kết hôn mà chồng hoặc vợ ngoại tình, xử phạt những người đã kết hôn mà chung sống như vợ chồng với người khác… Giải quyết mâu thuẫn dựa trên các quy định của pháp luật là cách hành xử văn minh, tránh được những hệ lụy không mấy tốt đẹp như cách đánh ghen thời công nghệ đã, đang và sẽ gây ra. 

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh ghen thời công nghệ