Để nguồn hỗ trợ tới đúng đối tượng cần giúp đỡ

26/04/2020 08:30

Việc hỗ trợ phải làm thế nào để những người thiệt thòi, kể cả người chưa được tiếp cận thông tin cũng nhận được hỗ trợ; làm thế nào để đúng đối tượng, bảo đảm công bằng.

Tuần vừa qua, tôi và bà con khu phố đã được chứng kiến hoạt động rất ý nghĩa của một nhóm thiện nguyện. Nhóm đã chủ động kết nối với chính quyền địa phương để trao các phần quà đến tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn đang rất thiếu thốn. Một bà cụ khuyết tật không có gia đình, sức đã rất yếu; một chị khuyết tật chỉ quanh quẩn trong xóm bằng chiếc xe lăn; một cặp vợ chồng không có con, nhiều bệnh tật, không có thu nhập… được tặng những gói quà gồm gạo, dầu ăn, nước mắm... là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Những phần quà tuy không lớn nhưng hết sức cần thiết vì có người chưa biết và cũng không thể đến các “Siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”… để được nhận những phần quà tương tự.

Cùng với cả nước, Hải Dương đang khẩn trương triển khai các biện pháp để gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sớm đến được với các nhóm đối tượng thụ hưởng. Trong số 7 nhóm đối tượng được thụ hưởng, hầu hết đều rất rõ địa chỉ, chỉ có nhóm đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng là khó xác định vì hầu hết họ không có giấy tờ xác nhận, khó xác định mức độ khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trở lại ví dụ nêu trên, việc hỗ trợ phải làm thế nào để những người thiệt thòi, kể cả người chưa được tiếp cận thông tin cũng nhận được hỗ trợ. Làm thế nào để đúng đối tượng, bảo đảm công bằng vì không ít người sẵn sàng tranh thủ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu tiên. Nhớ ngày đầu tiên “ATM gạo” ở TP Hải Dương hoạt động, tôi đã mua luôn 4 mớ rau để giúp một chị bán rau nhanh hết hàng còn đi lấy gạo hỗ trợ. Nhưng sau đó tôi biết, chị không đi một mình, không chỉ đến lấy gạo ở một nơi. Nhanh chóng tiếp cận thông tin qua báo chí, chị đã phân công cả chồng, con luân phiên đến các điểm phát gạo miễn phí, “Siêu thị 0 đồng” để lấy thực phẩm hỗ trợ. Nhà chị không thật sự nghèo. Trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, chị vẫn đi chợ bán hàng, chồng và các con chị vẫn có việc làm. Nhưng quan niệm của chị là của tự dưng được cho, chả tội gì không lấy.

Buồn nhất là số người “nhanh", "nhạy” như chị bán rau, lợi dụng những hoạt động từ thiện để trục lợi không ít, dù ở đâu cũng có thể gặp lời khuyên “Nếu bạn ổn xin hãy nhường cho người khác”. Tại cây “ATM gạo”, có gia đình đã đến lấy nhiều lần tổng cộng tới gần 30 kg gạo. Có người đi xe đẹp, mặc đẹp đến lấy “để đỡ được mấy chục nghìn đong gạo”… Trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều chia sẻ về hình ảnh có người đi những chiếc xe máy giá cả trăm triệu đồng đến để lấy phần quà hỗ trợ dành cho người khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều phần quà từ thiện, hỗ trợ vẫn chưa đến đúng địa chỉ.

Việc các tổ chức từ thiện đến tận nhà, hỗ trợ đúng người gặp khó khăn không phải do họ tự tìm hiểu mà hầu hết đều thông qua bà con hàng xóm, chính quyền địa phương. Bởi vậy, việc hỗ trợ nhóm đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng… hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ cần sớm được thực hiện công khai, rộng rãi, tương tự như việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương.

Hơn ai hết, chính quyền các cấp là nơi nắm chắc nhất về từng gia cảnh, điều kiện, chất lượng sống của từng hộ dân. Bà con hàng xóm cũng chính là người thấu hiểu, thậm chí có thể giám sát sự trung thực của từng hoàn cảnh. Do đó cần phải xác định, lựa chọn rõ đối tượng ngay tại thôn, khu dân cư để chọn người thực sự khó khăn nhận trợ giúp. 

LINH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để nguồn hỗ trợ tới đúng đối tượng cần giúp đỡ