Để những tiếng nói chính trực hiện diện trong cấp ủy

20/07/2020 09:49

Nhiệm kỳ Đại hội XII đang thiết lập một dấu mốc chưa từng có trong lịch sử Đảng - đó là số lượng cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật Đảng và truy tố trước pháp luật đã lên đến gần 100 người.

Trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7.2020, nhân dân cả nước tiếp tục chứng kiến những quyết định kỷ luật nghiêm khắc đối với một số lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi, khởi tố cựu lãnh đạo Bộ Công thương và một số lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. 

Những quyết định nghiêm khắc của Đảng và Nhà nước đã củng cố thêm lòng tin của cán bộ, đảng viên, và nhân dân cả nước vào nỗ lực đấu tranh chống tiêu cực trong toàn hệ thống. Dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, quyết tâm buộc những cán bộ vi phạm, dù ở bất cứ vị trí nào, phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng về kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Tuy nhiên, thực tế nhiều cá nhân lãnh đạo và tập thể cấp ủy vi phạm cũng gợi ra những vấn đề cần quan tâm. Đó là, tại sao nguyên tắc tập trung dân chủ lại có thể dễ dàng bị vi phạm? Tại sao ít thấy những cá nhân chính trực, dám đấu tranh chống tiêu cực trong phạm vi tổ chức của mình?  Những phân tích về thể chế cấp ủy có thể phần nào lý giải cho các câu hỏi nêu trên. 

Thể chế cấp ủy 

Theo Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội lần thứ XI (2011), “cấp ủy” là cách nói ngắn gọn, đề cập đến một tập hợp cán bộ chủ chốt có vai trò lãnh đạo tổ chức đảng giữa hai kỳ đại hội. Tùy thuộc vào quy mô tổ chức hay cấp bậc trong hệ thống chính trị mà “cấp ủy” được gọi là “chi ủy”, “đảng ủy”, “huyện ủy”, hay “tỉnh ủy”… Thành viên cấp ủy do đại hội đảng các cấp bầu ra từ những đảng viên tiêu biểu nhất trong tổ chức đảng. 

Để những tiếng nói chính trực hiện diện trong cấp ủy
Các đại biểu bỏ phiếu tại Đại hội Đảng bộ phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Báo Bình Dương

Nguyên tắc hoạt động của cấp ủy là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, có sự phân công vai trò và nhiệm vụ giữa các thành viên. Bất cứ quyết định nào được ban hành cũng đều là quyết định của tập thể cấp ủy. Nguyên tắc ra quyết định là “tập trung dân chủ”: cấp ủy viên được tự do thảo luận nhưng thiểu số phải phục tùng đa số và quyết định sẽ được thông qua nếu được trên 50% số phiếu tán thành của cấp ủy viên.  

Về bản chất, cấp ủy là một thể chế lãnh đạo trong cấu trúc tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam (địa phương, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp). Nguyên tắc lãnh đạo tập thể, mỗi người một phiếu, giúp các cấp ủy viên có vai trò ngang nhau trước những tình huống ra quyết định. Điều này cũng có nghĩa, những cá nhân chính trực hoàn toàn có cơ sở để phủ quyết các quyết định mà họ không ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế một số tập thể lãnh đạo vi phạm lại cho thấy sự thiếu vắng những tấm gương cấp ủy viên với quan điểm chính trực, dám đấu tranh trước  những quyết định sai trái khiến cá nhân và tập thể lãnh đạo của họ bị xử lý.   

Thực tế nêu trên cho thấy sự trái ngược với những mong đợi về cấp ủy như trong các quy định của Đảng về tổ chức và nhân sự. Một cấp ủy tốt, chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng, hình dung khái quát, thì đó phải là một tập hợp những cá nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, uy tín và ảnh hưởng đối với người khác; có kiến thức và năng lực chuyên môn để ra quyết định và triển khai công việc; có năng lực lãnh đạo và quản lý; có kinh nghiệm và kỹ năng để có thể sớm phát hiện những vấn đề nảy sinh và tìm cách giải quyết. Một cấp ủy như vậy không thể thiếu những cá nhân với phẩm chất “chính trực”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bảo vệ cái đúng và đấu tranh chống cái sai.    

Chọn người chính trực sẵn sàng đấu tranh chống cái sai 

Cùng với những yêu cầu về bản lĩnh chính trị, đạo đức, chuyên môn, năng lực lãnh đạo và quản lý, thì phẩm chất chính trực luôn được nhấn mạnh trong các quy định và hướng dẫn của Đảng về quy hoạch và lựa chọn nhân sự cấp ủy. 

Gần đây nhất, Chỉ thị số 35-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy những cá nhân “thiếu gương mẫu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”. 

Phụ lục số 1 về tiêu chuẩn cấp ủy viên các cấp cho nhiệm kỳ 2020-2025, ban hành cùng Chỉ thị 35-CT/TW đã cụ thể hơn khi yêu cầu ứng viên cấp ủy phải là những người “không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi; tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng lãng phí, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm; công bằng, chính trực... Tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”. 

Đó cũng phải là những người “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ”. Dễ thấy là những tiêu chí nêu trên nhằm lựa chọn những người chính trực, sẵn sàng bảo vệ cái đúng và đấu tranh chống cái sai. 

Thách thức cho cá nhân chính trực 

Tuy nhiên, một thách thức thể chế cho các cá nhân chính trực là nguyên tắc “đa số tuyệt đối”, được áp dụng trong quá trình quy hoạch, giới thiệu, và bầu cử cấp ủy. Theo các quy định về quy hoạch nhân sự và bầu cử trong Đảng, để được đưa vào danh sách quy hoạch, giới thiệu nhân sự ứng cử cấp ủy, và bỏ phiếu lựa chọn cấp ủy viên, cá nhân ứng viên phải có được trên 50% số phiếu ủng hộ từ các đảng viên trong tổ chức Đảng. 

Yêu cầu phải có được một tỷ lệ đa số tuyệt đối như vậy sẽ là thách thức không nhỏ cho các cá nhân chính trực, bởi 3  lý do: 

Thứ nhất, vì bản lĩnh chính trực cho nên họ thường là những người có ý kiến khác, thậm chí trái ngược với tập thể lãnh đạo tổ chức Đảng trước mỗi tình huống ra quyết định. Chưa bàn tới sự đúng hay sai trong quan điểm nhưng việc thường thể hiện chính kiến như vậy có thể khiến họ không thuận lợi trong quá trình quy hoạch nhân sự.  

Thứ hai, vì là ý kiến có thể khác với số đông đảng viên trong tổ chức Đảng nên những người chính trực thường chỉ thu hút được sự ủng hộ của một thiểu số đảng viên. Bởi vậy, khả năng trở thành cấp ủy viên sẽ luôn xa vời với họ khi yêu cầu đặt ra là phải vượt qua tỷ lệ 50% số phiếu ủng hộ.  

"Dĩ hòa vi quý", "mũ ni che tai" trước tiêu cực 

Thứ ba, nguyên tắc đa số tuyệt đối sẽ khuyến khích những cá nhân “dĩ hòa vi quý”, thậm chí “mũ ni che tai” trước những tiêu cực. Bởi thế, cho dù là cá nhân chính trực nhưng vì quy định thể chế, họ sẽ có xu hướng thích ứng với bối cảnh, giảm bớt phẩm chất chính trực, để bảo đảm được số phiếu ủng hộ cho mình, cả trước và sau khi vào cấp ủy.  

Trên đây là 3 lý do chính khiến trong thực tế, có những quyết định của tập thể cấp ủy “đúng quy trình”, được sự ủng hộ của số đông, nhưng lại dẫn đến những hậu quả vi phạm.  

Một thực tế gần đây với những tập thể lãnh đạo vi phạm là sự thiếu vắng những tấm gương cấp ủy viên “thấy sai không dám đấu tranh”. Sự thiếu chính trực của cấp ủy viên có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vi phạm kéo dài và mang tính tập thể. 

Điều này cho thấy để giảm bớt nguy cơ vi phạm, một cấp ủy chất lượng không thể thiếu những cá nhân chính trực. Tuy nhiên, các điều kiện thể chế hiện nay lại chưa thực sự tạo thuận lợi cho phẩm chất chính trực được khích lệ và bộc lộ. Do đó, để nâng cao chất lượng cấp ủy, một số quy định thể chế về quy hoạch và lựa chọn cấp ủy viên nên được xem xét và tiếp tục hoàn thiện.  

Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả với tư cách một nhà nghiên cứu

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN ĐÁNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để những tiếng nói chính trực hiện diện trong cấp ủy