Để tiền hỗ trợ sớm tới tay người khó khăn

11/07/2021 07:49

“Một miếng khi đói” là rất quý giá với nhiều người lao động, người sử dụng lao động, người yếu thế... trong hoàn cảnh đang khó khăn vì dịch bệnh hiện nay.

Thấu hiểu những khó khăn của người lao động, nhân dân nên Chính phủ một lần nữa có Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô gói hỗ trợ lần này lên tới 26.000 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để nguồn tiền hỗ trợ đến được nhanh nhất với người cần?

Chúng ta đã từng chứng kiến ở gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 cũng từ Chính phủ, nhiều người được hỗ trợ đã phải mất ít nhất 4 ngày để làm các thủ tục. Trên thực tế thì có nơi còn chậm hơn, thậm chí khi nhận được hỗ trợ thì dịch bệnh đã tạm lắng, đối tượng không còn quá khó khăn nữa.

Trong cuộc họp với các bộ để bàn giải pháp nhằm sớm triển khai gói hỗ trợ lần này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nói phải rà soát, cắt bỏ mạnh các thủ tục rườm rà, không cần thiết, phải chấp nhận rủi ro để tiền hỗ trợ đến được tay người dân một cách nhanh nhất. Đó cũng chính là điều mà nhiều người dân đang khốn khó vì dịch bệnh mong đợi.

Chúng ta đã và đang có những cây ATM gạo, những phiên chợ 0 đồng, những suất ăn nghĩa tình... của các nhà hảo tâm để hỗ trợ người nghèo, người khó khăn trong dịch bệnh. Nhiều cuộc hỗ trợ, cách hỗ trợ đã bỏ qua mọi thủ tục, các bước rà soát, bình xét... để đưa quà đến tận tay người cần nhanh nhất có thể. Tuy rằng đâu đó vẫn có những đối tượng trục lợi, có người khó khăn vẫn chưa được nhận hỗ trợ kịp thời nhất nhưng căn bản những món quà trên đã phần nào trợ giúp được cho đa số người khó khăn.

Khác với gói hỗ trợ năm trước, lần này Chính phủ đã mở rộng hơn với 12 nhóm đối tượng được thụ hưởng. Trong đó có nhiều chính sách giảm tải khó khăn, góp phần "hồi sức" cho người lao động, người sử dụng lao động như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất... Đáng chú ý là lần đầu tiên có thêm nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, du lịch, cả với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác được hưởng từ gói hỗ trợ này. Điều này cho thấy Nghị quyết 68 đã khắc phục một số bất cập, hoàn thiện hơn chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đáp ứng đúng tình hình thực tiễn, lòng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.

Nguồn lực của Nhà nước thì có hạn, các chính sách cũng chỉ mang tính chất hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng hỗ trợ chỉ thực sự có hiệu quả, giá trị, ý nghĩa khi đến tay người cần đúng thời điểm. Bởi vậy, việc Chính phủ ban hành nghị quyết vào đúng thời điểm làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đang diễn ra hết sức phức tạp có giá trị lớn đối với sự sống còn của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và người dân.

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ lần trước, điều những người khó khăn mong đợi chính là các cơ quan chuyên môn cần tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” về các quy định, thủ tục để sớm đưa tiền hỗ trợ đến cho người cần. Cần rút ngắn hơn nữa quy trình xét duyệt, giải quyết các thủ tục hành chính. Các cơ quan chuyên môn cần bố trí lực lượng làm việc, thường trực kể cả ngày nghỉ, giờ nghỉ để hỗ trợ người khó khăn. Mọi khó khăn, vướng mắc cần được nắm bắt, thông tin kịp thời để giải quyết, tháo gỡ...

Cần quán triệt, thực hiện ngay tinh thần đẩy nhanh gói hỗ trợ như người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhấn mạnh: “Người dân đang điêu đứng, đói khổ vì Covid-19. Nếu có sai cũng là để cho người dân nhanh được hỗ trợ, đừng vì thủ tục chặt chẽ, rườm rà mà kéo dài thời gian nữa...".

LINH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để tiền hỗ trợ sớm tới tay người khó khăn