Để tự soi, tự sửa

12/12/2019 07:27

Để đội ngũ đảng viên và tổ chức cơ sở đảng dám tự soi, tự sửa lại mình, các cấp ủy đảng, từng đảng viên phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và tác dụng của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình...

Trong Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW ngày 18.10.2019 của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên xác định mục đích "kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình, từ đó đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ".

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, cấp ủy các cấp đã đưa ra các tiêu chí được lượng hóa cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để kiểm điểm. Các chi bộ, đảng bộ đang tiến hành đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên và tổ chức đảng. Những chi bộ, đảng bộ nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này và thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, có tính chiến đấu cao thì việc đánh giá, phân loại sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tinh thần phấn đấu của đảng viên. Do đó, tổ chức đảng đoàn kết, thống nhất, chất lượng lãnh đạo được nâng cao, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Công tác xây dựng chi bộ, đảng bộ được quan tâm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Tuy nhiên, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của một bộ phận đảng viên còn hạn chế, tình trạng ngại góp ý, nhất là góp ý đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vẫn phổ biến. Việc đánh giá, phân loại đảng viên và tổ chức đảng ở không ít nơi còn hình thức, xem việc đánh giá, phân loại là việc đến hạn thì làm, làm xong là được. Không ít đảng viên viết bản kiểm điểm sơ sài, đánh giá chung chung, không nhận ra và không dám đánh giá hết những mặt hạn chế của mình, cho nên trong bản kiểm điểm chỉ thấy mặt mạnh, những việc làm được, còn mặt hạn chế chỉ một đôi dòng với cụm từ “đôi khi, có lúc”.

Việc phân loại đảng viên ở chi bộ thường chỉ xét chung chung, đảng viên nào không sai phạm gì lớn là hoàn thành nhiệm vụ, đảng viên làm một số việc được giao là coi như hoàn thành tốt. Do bệnh thành tích nên không dám xử lý đảng viên hay tổ chức đảng yếu kém, vi phạm vì sợ ảnh hưởng thành tích chung của tổ chức, đơn vị mình. Do vậy, ở những nơi đó sau khi đánh giá, phân loại dễ nảy sinh mất đoàn kết nội bộ, đảng viên có hạn chế tiếp tục hạn chế, thậm chí có sai phạm tiếp tục sai phạm nặng hơn.

Kiểm điểm sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối chiếu với 82 biểu hiện nhằm giúp cho đảng viên nhận thức ngày càng rõ hơn những biểu hiện đó để tự soi và tự sửa lại mình. Nhưng việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình để nhận diện những biểu hiện của sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của từng tổ chức đảng và không ít đảng viên chưa được coi trọng. Vì thế không nhận ra những suy nghĩ và việc làm thể hiện sự suy thoái của mình và nếu có nhận ra thì cũng không dám thừa nhận mà tự kiểm điểm, tự soi xét mình để sửa chữa.

Để đội ngũ đảng viên và tổ chức cơ sở đảng dám tự soi, tự sửa lại mình, thiết nghĩ các cấp uỷ đảng, từng đảng viên phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và tác dụng tích cực của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, phân loại đảng viên và tổ chức đảng. Chống biểu hiện làm đối phó, làm cho qua chuyện, khắc phục lối làm tuỳ tiện, bỏ qua việc kiểm điểm của từng đảng viên và việc góp ý phê bình của các đảng viên trong chi bộ. Cần chấn chỉnh tình trạng bản kiểm điểm thì viết qua loa, chiếu lệ, trong góp ý phê bình thì nể nang, tránh né, dĩ hòa vi quý, chạy theo thành tích, hữu khuynh thiên lệch, đánh giá theo cảm tính. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, công khai, minh bạch.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để tự soi, tự sửa