Đổi mới công tác đánh giá cán bộ

26/01/2021 08:38

Công tác đánh giá cán bộ (ĐGCB) rất quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho các công tác khác như quy hoạch, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

ĐGCB công tâm, khách quan sẽ giúp cán bộ phát huy thế mạnh, khắc phục nhược điểm, tạo thuận lợi cho các khâu khác trong công tác cán bộ. Ngược lại, nếu ĐGCB không đúng sẽ làm cán bộ thui chột ý chí phấn đấu, bất mãn, gây ảnh hưởng xấu tới các khâu khác.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác ĐGCB có một số đổi mới. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định về công tác cán bộ nói chung, ĐGCB nói riêng như Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4.8.2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí ĐGCB lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4.8.2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí ĐGCB thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8.3.2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị... Đây là cơ sở để các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn, tiêu chí, phương pháp, quy trình ĐGCB, góp phần đổi mới ĐGCB theo hướng ngày càng sát thực tế và thực chất hơn.

Dù vậy công tác ĐGCB thời gian qua vẫn còn một số thiếu sót, hạn chế. Tại Đại hội XII, Đảng ta nhận định "ĐGCB vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục". Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018, Ban Chấp hành Trung ương nhận xét: "ĐGCB vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến". Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân nhận định: "ĐGCB vẫn là khâu yếu, mặc dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa phản ánh đúng thực chất".

Thời gian qua, dư luận ở không ít địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đồng tình với công tác ĐGCB vì thiếu tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cụ thể, việc đánh giá mang đậm yếu tố cảm tính, cá nhân, nhất là của người đứng đầu. Ở nhiều nơi, công tác ĐGCB chưa gắn với thực tế, hiệu quả công việc nên xảy ra tình trạng người làm nhiều, làm tốt không được ghi nhận, thậm chí có người làm ít, làm chưa tốt lại được khen thưởng. Nhiều vụ việc bức xúc do ĐGCB được cho là "đúng quy trình" nhưng thấy rõ sự thiếu khách quan, công tâm. Tình trạng đánh giá thiên vị đối với người có chức vụ, kinh nghiệm công tác, thân quen, cánh hẩu với lãnh đạo còn xảy ra. Một số cán bộ có năng lực, đạo đức tốt không được trọng dụng, còn những người kém hơn thì lại được ưu ái cho vào quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Mong rằng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây, Đảng ta sẽ có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để đổi mới công tác ĐGCB theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Có cơ chế để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân ĐGCB không khách quan, không đúng, không công tâm. Trung ương cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác ĐGCB ở địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những nơi ĐGCB còn cảm tính, chung chung; biểu dương, khen thưởng những cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác này.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới công tác đánh giá cán bộ