Đừng hiểu nhầm để làm sai

06/12/2020 07:29

Nghị định 137 đã tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa; quy định cụ thể 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo.

Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo vừa được ban hành đã và đang nhận sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là cả sự hiểu nhầm.

Nghị định 137 có hiệu lực từ ngày 11.1.2021 và thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP. Nghị định mới cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (cụ thể là các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng).

Khi có thông tin trên không ít người dân hiểu rằng từ Tết này lại được đón không khí ngập tràn xác pháo. Thậm chí nhiều người còn nói vui rằng sẽ lại thấy cảnh nhà này giăng pháo từ tầng hai xuống thì nhà bên cũng không thua kém kéo pháo từ tầng ba để đốt đêm giao thừa. Rồi khắp nơi người người, nhà nhà lại hân hoan với tiếng pháo đì đùng, xác pháo vương khắp mọi nẻo đường như những Tết xưa. 

Trong khi chưa có hướng dẫn chi tiết của nghị định trên thì nhiều người cũng bày tỏ băn khoăn là liệu muốn đốt pháo trong các ngày lễ, sinh nhật, cưới hỏi… có phải xin phép chính quyền địa phương hay không? Được đốt ở không gian nào, trong thời gian bao lâu, nếu xảy ra tai nạn thì phải chịu trách nhiệm thế nào? Rồi việc đốt pháo sẽ gây ra những hệ lụy như tai nạn pháo nổ, tình trạng buôn lậu pháo gia tăng, gây mất an ninh trật tự, dẫn đến quản lý ngày càng khó khăn.

Rõ ràng khi có những quy định mới ban hành, chưa được thông tin sâu rộng thì việc hiểu sai hay có nhiều thắc mắc như trên cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy khi ban hành một quy định mới rất cần sự nhanh chóng vào cuộc của các cơ quan thông tin tuyên truyền, những người hoạch định chính sách, cơ quan chuyên môn phải chỉ rõ ràng, chi tiết những điểm mới, điểm khác biệt so với quy định cũ, thậm chí cả những điều người dân có thể hiểu nhầm.

Như mới đây đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã lên tiếng về những băn khoăn của người dân về Nghị định 137 này. "Phải hiểu pháo hoa được phép đốt là loại pháo mà người dân tổ chức đám cưới hay đốt phát ra ánh sáng, có tiếng xì xì, không có thuốc nổ, chứ không phải quả pháo hoa đốt lên trời phát nổ”, đại diện C06 thông tin. Cũng theo C06, pháo hoa nổ hiện vẫn cấm tuyệt đối vì loại pháo này có thuốc nổ, gây nguy hiểm và nếu người dân sử dụng vẫn bị quy trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. Nghị định 137 đã tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa. Nghị định cũng quy định cụ thể 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo. Trong đó phải kể đến việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trao đổi pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; giao pháo hoa nổ cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...

Thực tế những năm qua cho thấy mặc dù bị cấm nhưng mỗi dịp Tết, có không ít người dân vẫn mua được pháo nổ để đốt, nhất là vào đêm giao thừa. Thời gian tới, nhằm tránh việc người dân mua nhầm, sử dụng nhầm pháo hoa không được cho phép, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm kiểm soát chặt các sản phẩm pháo hoa bán trên thị trường, bảo đảm sản phẩm bán đến tay người dân sử dụng chỉ là pháo hoa theo quy định, tránh việc làm sai vì hiểu nhầm.

NGÂN HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng hiểu nhầm để làm sai