Đúng người, rõ việc để thi đua hiệu quả

11/06/2020 13:09

Để mãi phát huy giá trị cao đẹp như 72 năm qua, phong trào thi đua yêu nước phải tiếp tục nhân lên những giá trị tốt đẹp, đi sát với những nội dung, nhiệm vụ mới đặt ra.

Như Bác Hồ hằng mong muốn trong "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" từ 72 năm trước, đồng bào, nhân dân, chiến sĩ ta vừa đồng tâm, hợp lực, thi đua cùng làm nên một chiến công xuất sắc, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trong phòng chống đại dịch, một lần nữa thi đua đã được cụ thể hóa vào từng nội dung, công việc, địa phương, cơ quan, tới từng cá nhân.

Chính phủ, Bộ Y tế đã kêu gọi, phát động đợt thi đua đặc biệt phòng chống dịch bệnh. Ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, các đoàn thể, kể cả các tổ chức thiện nguyện, hội, nhóm tự nguyện cũng dấy lên phong trào thi đua chung sức chống dịch. Rất nhiều tổ chức, cá nhân chung tay ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 bằng nhiều hoạt động bình dị nhưng cao quý, từ các cụ già gom góp tặng gạo đến em bé tặng tiền tiết kiệm... Nơi thì thi đua may nhiều khẩu trang; có tổ chức ra sức vận động, quyên góp, sản xuất nhiều tấm kính chắn giọt bắn để đem tặng... Từ phong trào thi đua chung sức đẩy lùi dịch Covid-19 có thể thấy dù trong thời kỳ nào, hoàn cảnh nào, thi đua vẫn luôn là động lực, là kết tinh của tinh thần đoàn kết, tạo ra sức lan tỏa, làm lớn mạnh thêm các phong trào, hoạt động.

Từ "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Bác, phong trào thi đua trong tỉnh nói riêng đã đồng hành, tạo tiền đề cùng tỉnh phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội. Thi đua yêu nước ngày càng gắn sát với những yêu cầu phát triển mới, đáp ứng kịp thời nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của nhân dân. Các phong trào thi đua đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị, nâng cao đời sống của nhân dân. Điển hình là phong trào Chung sức xây dựng nông thôn mới, Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau...

Cùng với đó là không khí thi đua sôi nổi, thường xuyên của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân, nông dân góp phần làm nên nhiều tập thể lao động xuất sắc, có nhiều đề tài, sáng kiến làm lợi cho ngân sách, tiết giảm thời gian, công sức lao động...

Chung tay cùng cán bộ, nhân dân toàn tỉnh còn có nhiều cá nhân, tổ chức ở ngoài tỉnh, ở nước ngoài âm thầm tham gia đóng góp, ủng hộ bằng nhiều hình thức để tỉnh ngày càng phát triển. Những quyển sổ người tốt, việc tốt của các chi bộ, đảng bộ ghi danh nhiều cá nhân, tập thể thi đua làm những việc thiết thực, ý nghĩa cho phong trào chung.

Kết quả từ các phong trào thi đua rất to lớn. Nhưng xung quanh công tác thi đua, khen thưởng vẫn có những điều không đáng có. Căn cứ vào tỷ lệ xét tặng danh hiệu, đâu đó vẫn có những cá nhân, tập thể "tranh thủ" được khen tặng để được hưởng những ưu tiên từ danh hiệu, thành tích. Vẫn có nơi chủ yếu khen cán bộ lãnh đạo, quản lý. Số người trực tiếp lao động, sản xuất được khen thưởng chưa nhiều. Cá biệt còn có trường hợp khen thưởng những người chưa xứng đáng, có sai sót, vi phạm.

"Thi đua ái quốc" - chỉ từ cách đặt tên đã thấy Bác Hồ muốn gửi gắm mong muốn biến thi đua thành sức mạnh của toàn dân tộc. Để mãi phát huy giá trị cao đẹp như 72 năm qua, phong trào thi đua yêu nước phải tiếp tục nhân lên những giá trị tốt đẹp, đi sát với những nội dung, nhiệm vụ mới đặt ra, nhất là sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Ở tất cả các lĩnh vực, cơ quan, địa phương, đơn vị, công tác bình xét, lựa chọn nhân tố tiêu biểu phải minh bạch, chính xác, công khai, đúng người, rõ việc. Từ những hạt nhân tiêu biểu, cần có các hình thức đa dạng để khen thưởng, động viên, biểu dương kịp thời nhằm nhân lên những việc tốt, những phong trào tốt. 

LINH AN (Ninh Giang)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đúng người, rõ việc để thi đua hiệu quả