Giữ gìn truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình

28/06/2019 08:51

Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam là “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.

NHỮNG năm qua, các địa phương trong tỉnh đã thu được nhiều thành tích từ phong trào xây dựng làng, khu dân cư và gia đình văn hóa. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào vẫn còn không ít hạn chế. Văn hóa ứng xử trong nhiều gia đình phai nhạt. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây số tội phạm ở tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý giáo dục, nghiên cứu tội phạm cho thấy hiện nay tội phạm ở tuổi vị thành niên thường sinh ra và lớn lên trong những gia đình bố mẹ không hòa thuận, nghiện ngập, cờ bạc, làm ăn buôn bán phi pháp; mải làm kinh tế, thiếu quan tâm đến việc nuôi dạy, quản lý con cái… Môi trường gia đình đã vậy cộng với những ảnh hưởng từ việc sử dụng thiếu chọn lọc internet, điện thoại, games, các sản phẩm văn hóa ngoại lai… đã khiến không ít trẻ em trở nên hư đốn, thậm chí sa vào cạm bẫy, phạm tội.

Ở không ít gia đình, sự giao tiếp của các thành viên ngày càng hạn chế. Có những trẻ nói trống không với người lớn mà cha mẹ, ông bà cũng không nhắc nhở, tặc lưỡi cho là chuyện nhỏ. Nhiều nhà, trẻ đã quên thói quen "đi hỏi về chào". Vợ chồng ngày càng kiệm lời với nhau, thời gian trò chuyện, tâm sự dành cho bạn đời, con cái còn ít hơn thời gian cho mạng xã hội... Nhiều gia đình mâu thuẫn, tranh chấp không được hòa giải kịp thời, dẫn tới anh em, thậm chí con cái và bố mẹ đánh cãi lẫn nhau, kiện tụng đưa nhau ra tòa. Ngày càng nhiều vụ án xảy ra mà nạn nhân và hung thủ đều là thành viên trong một gia đình. Thật vô cùng đau xót!

Mục đích của Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 nhằm tôn vinh, gìn giữ những giá trị cao quý của gia đình và cộng đồng. Năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam là “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Để hưởng ứng chủ đề này, các ngành chức năng của tỉnh cần tuyên truyền giáo dục cho mọi người nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của gia đình cũng như mối quan hệ của gia đình với cộng đồng, xã hội. Gia đình là nơi hội tụ các thành viên nên mỗi người đều phải tôn trọng và có văn hóa ứng xử đúng mực theo bề bậc, chức phận. Theo “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thì trong quan hệ vợ chồng cần đề cao sự chung thủy, nghĩa tình, cùng chung trách nhiệm nuôi dạy con trở thành những người con hiếu thảo, có ích cho gia đình và xã hội… Trong quan hệ cha mẹ với con, ông bà với cháu cần đề cao sự gương mẫu, yêu thương, chăm sóc, trao truyền các giá trị truyền thống, giữ nền nếp gia phong… Trong quan hệ của con với cha mẹ, cháu với ông bà cần coi trọng lòng hiếu thảo, lễ phép, kể cả con đẻ, con nuôi, con riêng, con dâu, con rể, cháu nội hay ngoại… Trong quan hệ anh chị em cần hòa thuận, tôn trọng, giúp đỡ, sẻ chia, nhất là khi khó khăn, hoạn nạn…

Để mỗi thành viên trong gia đình thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền lợi của mình, rất cần sự quan tâm thường xuyên của các tổ chức đảng, đoàn thể, nhà trường, tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền giáo dục về pháp luật và các chủ trương, chính sách, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình… Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm nay thêm một dịp tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, thiết thực nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng, khu dân cư và gia đình văn hóa.

 NGUYỄN THẾ (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ gìn truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình