Hiệp lực chống dịch

29/03/2020 07:39

Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, hầu như mỗi ngày đều có các ca nhiễm mới, xã hội vẫn phải vận hành, người dân vẫn phải thích ứng với bối cảnh mới để tiếp tục cuộc sống và công việc.

Nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, ngày 22.3 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã truyền thông điệp đến hàng triệu người dân Việt Nam: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”. 

Thực hiện tinh thần đó, không phân biệt tuổi tác và vai trò trong xã hội, mỗi người dân đều cần xác định cho mình hành động phù hợp và hành xử đúng mực, góp phần chống đại dịch toàn cầu.

Với cơ chế lây lan rất nhanh, các thông điệp “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”, “Đang ở đâu hãy ở yên đó”… được chia sẻ mạnh mẽ trong những ngày qua phù hợp với khuyến cáo của ngành y tế.

Ngụ ý rằng người dân nên hạn chế di chuyển, tiếp xúc với mọi người, tránh tụ tập đông người nhằm giảm sự lây lan của virus và ngăn dịch bệnh bùng phát. Nhận thức đúng, hành động phù hợp, đơn cử như việc “đứng yên” trong một số trường hợp, vào thời điểm cụ thể, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người để góp phần giữ gìn sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, hầu như mỗi ngày đều có các ca nhiễm mới, xã hội vẫn phải vận hành, người dân vẫn phải thích ứng với bối cảnh mới để tiếp tục cuộc sống và công việc.

Do đó, bên cạnh những nhóm cần “đứng yên”, thì những nhóm khác lại phải hoạt động tích cực hơn, nỗ lực cao nhất để phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng. Đó là những anh bộ đội Cụ Hồ không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; tổ chức cách ly người có nguy cơ lây nhiễm; tuyên truyền, vận động nhân dân…

Hình ảnh một sĩ quan quân đội mặc nguyên quần áo bảo hộ, ăn vội hộp cơm trên manh chiếu nhỏ trải sát chân tường, nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, khiến mọi người đều xúc động, cảm phục. Ở nơi tuyến đầu phòng dịch, guồng quay công việc diễn ra bất kể ngày đêm, lực lượng quân đội đang gồng mình như những “tấm lá chắn thép” bảo vệ nhân dân khỏi “kẻ thù Covid-19”.

Đồng hành cùng tuyến đầu với lực lượng quân đội, đội ngũ cán bộ nghiên cứu dịch tễ, các y, bác sĩ - những “chiến sĩ áo trắng” dũng cảm, nỗ lực ngày đêm nghiên cứu về chủng mới của virus Corona, thực hiện xét nghiệm đối với các bệnh nhân nghi nhiễm, đưa ra phương án điều trị thích hợp đối với các bệnh nhân dương tính và đang được điều trị cách ly…

Hơn ai hết, những “chiến sĩ áo trắng” phải đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Mặc dù biết khó khăn, nguy hiểm cận kề, nhưng không ai chùn bước. Tất cả khi vào cuộc đều đặt tính mạng của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng là mục tiêu cao nhất.

Nơi hậu phương, những người công nhân - “chiến sĩ áo xanh” không quản ngại làm thêm giờ sản xuất khẩu trang để phục vụ nhu cầu của người dân khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Ai cũng tất bật, hăng hái và chạy đua với thời gian để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm thiết yếu phòng dịch, phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, biết bao thầy giáo, cô giáo và hàng triệu học sinh phải tạm xa trường lớp nhưng vẫn nỗ lực duy trì việc dạy và học bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp hơn trong tình thế hiện nay như dạy học trực tuyến, qua truyền hình... 

Trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân đều có một nhiệm vụ khác nhau, không ai đứng ngoài cuộc. Có những người không quản ngại gian khó, xông vào nơi tuyến đầu, nhưng có những người "đứng yên" cũng là thiết thực góp phần chiến thắng dịch bệnh.

Hai cách hành xử tưởng chừng như đối lập nhau nhưng lại tạo ra sự thống nhất, khớp nối với nhau như hai bánh răng cưa, tạo ra sự chuyển động tích cực. Đó chính là sự hiệp lực của toàn xã hội, hướng đến mục tiêu dập dịch Covid-19 trong phạm vi mỗi quốc gia và góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến chống dịch trên quy mô toàn cầu.

DIỆP TRƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệp lực chống dịch