Loạn “thần y”

07/04/2021 08:10

Thời gian gần đây, những lùm xùm xung quanh câu chuyện vợ chồng doanh nhân Dũng “lò vôi” tố cáo “thần y” Võ Hoàng Yên lừa đảo đã thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Phương Hằng, vợ doanh nhân Dũng “lò vôi” thì việc vợ chồng bà tố cáo “thần y” Võ Hoàng Yên lừa đảo không phải để đòi lại số tiền hàng trăm tỷ đồng vợ chồng bà đã chuyển cho ông này mà giúp mọi người hiểu rõ ông Võ Hoàng Yên không hề có khả năng chữa bệnh thần kỳ. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra.

Liên quan đến "thần y" Võ Hoàng Yên, có một câu chuyện khác khiến chúng ta không thể không suy nghĩ về danh xưng "thần y". Tháng 7.2020, huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi đã chi tới 200 triệu tiền ngân sách mua vé may bay, bao ăn ở cho "thần y" này cùng đoàn tùy tùng đến địa phương khám chữa bệnh nhân đạo. Điều đáng chú ý là gần 800 người được "thần y" khám chữa câm, điếc bẩm sinh, bại não, bại liệt... nhưng không ai khỏi bệnh. Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo khẳng định việc khám chữa bệnh là không hiệu quả, các kỹ thuật khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên không đúng theo đăng ký. Ngoài ra, báo cáo nêu việc khám chữa bệnh nhân đạo theo Thông tư 30/2014 của Bộ Y tế là hoạt động từ thiện, miễn phí nên sử dụng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động này không phù hợp.

Trường hợp của “thần y” Võ Hoàng Yên không phải cá biệt. Thời gian qua, những người tự xưng là “thần y”, lương y với khả năng chữa bách bệnh xuất hiện nhiều như nấm sau mưa. Trên các trang mạng xã hội, những lời quảng cáo “nhà tôi ba đời…”, “ai bị bệnh… chữa mãi không khỏi hãy điện cho tôi”… liên tục xuất hiện kích thích, mời gọi người bệnh. Có cảm giác các vị “thần y” tự xưng có khả năng chữa các loại bệnh, từ đau dạ dày, xương khớp, đau thần kinh tọa đến gout, gan, máu nhiễm mỡ, yếu sinh lý, hiếm muộn, vô sinh… Thậm chí, cả những loại bệnh mà y học hiện đại bó tay thì những “thần y” cũng cam kết chữa khỏi “trong một nốt nhạc”. Nhiều “thần y” còn dùng hình ảnh người dân tộc thiểu số hoặc mặc quân phục của lực lượng quân y để tăng độ tin cậy với người bệnh. Đặc biệt, nhiều người còn rêu rao có khả năng khám chữa bệnh qua điện thoại với cam kết chữa khỏi 100%, không khỏi không lấy tiền.

Thực tế thời gian qua cho thấy, lợi dụng sự dễ dãi của mạng xã hội, lỏng lẻo trong quản lý của cơ quan chức năng, nhiều người đã mạo danh lương y để quảng cáo tính năng, tác dụng của thuốc không đúng sự thật, bán thuốc không có nguồn gốc, khám chữa bệnh không phép hoặc nói quá về khả năng khám chữa bệnh của bản thân. Những quảng cáo về tác dụng thần kỳ của thuốc, về khả năng siêu phàm của các “thần y” cứ ra rả trên các trang mạng xã hội đã đánh trúng tâm lý của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Với tâm lý “còn nước còn tát”, họ vẫn sẵn sàng bán đi những tài sản cuối cùng để chữa bệnh cho người thân. Việc tin tưởng vào những lời quảng cáo không đúng sự thực trên mạng xã hội khiến nỗi đau của người bệnh và gia đình họ càng thêm chồng chất.

Trước thực trạng này, ngày 30.3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hiện tượng “thần y” trên mạng xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý phù hợp với tình trạng loạn “thần y” trên mạng xã hội hiện nay. Cơ quan chuyên môn cần thể hiện trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm những “thần y” chữa bệnh không phép, bán thuốc không rõ nguồn gốc. Người bệnh cần tỉnh táo, không nên tin vào những lời quảng cáo không có cơ sở trên mạng xã hội, hãy đến những cơ sở y tế uy tín để chữa bệnh, tránh lâm vào cảnh tiền mất, tật mang.

LÃ VỌNG (Thanh Miện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loạn “thần y”