Máy móc, công nghệ có tạo ra sự công bằng?

22/10/2019 08:36

Từ sau năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức thi THPT quốc gia kết hợp trên cả giấy và máy tính, trong đó thi trên máy tính nhiều hơn.

Trước đó, một số trường đại học, phổ thông tại các thành phố lớn đã tổ chức thi trên máy tính. Việc lắp camera giám sát tại các lớp học mầm non đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi từ lâu và gần đây tiếp tục được triển khai tại nhiều trường học thuộc các cấp học lớn hơn…

Nếu như trước đây công nghệ được ứng dụng trong trường học chủ yếu ở hoạt động giảng dạy và điều hành, quản lý thì nay yếu tố này được nhắc tới như một biện pháp giám sát hiệu quả và xây dựng sự công bằng trong đánh giá học sinh, sinh viên.

Đây là xu hướng tất yếu phù hợp với thời đại 4.0. Việc sử dụng các loại máy móc như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, camera với các phần mềm hiện đại giúp cả những người tổ chức thi lẫn người thi nhàn hơn rất nhiều.

Thí sinh không cần mang giấy tờ tùy thân, chỉ cần chạm vân tay lên màn hình sẽ hiện ra những thông tin cá nhân cần thiết, vị trí ngồi và môn thi.

Sau khi thi xong các em có thể biết ngay điểm thi nếu là thi trắc nghiệm. Giám thị đỡ vất vả hơn trước nhờ hệ thống camera giám sát. Cách thi như vậy được kỳ vọng sẽ hạn chế những tiêu cực như chạy chọt, gian lận điểm thi.

Hệ thống camera giám sát lớp học trong những ngày học bình thường cũng là công cụ giúp phụ huynh, nhà trường theo dõi sát sao hoạt động dạy và học trên lớp, kịp thời can thiệp nếu giáo viên, học sinh có những hành vi lệch chuẩn…

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong nhà trường cũng có những khía cạnh cần xem xét để triển khai được đồng bộ và hạn chế những tác động tiêu cực tới đội ngũ giáo viên, học sinh cũng như hoạt động dạy, học và thi cử.

Để ứng dụng công nghệ hiện đại cần có cơ sở hạ tầng phù hợp. Trên cả nước không phải địa phương nào cũng có điều kiện trang bị máy móc trong lớp học hoặc có đủ số máy cho một kỳ thi lớn.

Ngay tại tỉnh ta, những năm gần đây, có những kỳ thi trên máy tính ngành giáo dục phải bố trí học sinh ra thi tại các điểm dịch vụ internet mới đủ máy. Ở những vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo, điều kiện còn khó khăn hơn nữa.

Vì vậy, việc triển khai những kỳ thi lớn như THPT quốc gia trên máy tính cần được tính toán hết sức chặt chẽ để học sinh ở những nơi còn thiếu thốn không bị thiệt thòi. Thi trên máy được kỳ vọng sẽ tạo sự công bằng khi học sinh không thể quay cóp, gian lận.

Nhưng sự công bằng đó chỉ là tương đối bởi điều kiện được tiếp xúc, sử dụng máy móc của học sinh ở mỗi nơi mỗi khác. Rõ ràng học sinh ở các đô thị sẽ có lợi thế hơn khi được tiếp xúc thường xuyên, sử dụng thành thạo các phương tiện này, còn học sinh ở một số nơi ít sử dụng máy tính sẽ có đôi chút thiệt thòi.

Việc sử dụng camera để giám sát hoạt động giảng dạy có thể gây những ức chế cho giáo viên khi lên lớp nếu như nhà trường, phụ huynh không có cách ứng xử, xử lý phù hợp.

Quá ỷ lại vào máy móc, công nghệ có thể dẫn đến hình thành tâm lý xem nhẹ yếu tố con người trong khi đạo đức mới là điều cần thiết nhất trong xây dựng sự công bằng ở môi trường giáo dục. Máy móc, phần mềm đều là những thứ do con người tạo ra và sử dụng nên cũng có thể có nhiều cách can thiệp vào để gian lận.

Thực tế, những bài thi gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đều được chấm bằng máy tính. Và sự gian lận bằng máy móc còn tinh vi, khó phát hiện hơn rất nhiều. Giáo viên và phụ huynh cần kết hợp hướng dẫn và giám sát việc học trên máy tính bảng, điện thoại của các em, tránh trường hợp học sinh lợi dụng lý do cần học để thi mà sa đà vào sử dụng cho các mục đích khác.

Việc sử dụng máy móc chỉ thực sự công bằng khi tất cả các nhóm đối tượng có điều kiện tiếp xúc với công nghệ tương đương nhau. Vì vậy, cần chuẩn bị những điều kiện hạ tầng đồng bộ ở các địa phương cũng như giúp học sinh sử dụng máy tính thành thạo trước khi triển khai thi trên máy tính ở diện rộng.

Máy móc, công nghệ cũng chỉ thực sự tạo ra công bằng khi những người sử dụng nó trung thực. Yếu tố con người vẫn luôn quan trọng nhất và không thể xem nhẹ trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Máy móc, công nghệ có tạo ra sự công bằng?