Muộn còn hơn không

29/12/2020 09:24

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy 90% số vụ tai nạn giao thông đối với trẻ em trong những năm gần đây rơi vào nhóm từ 16 - 18 tuổi.

Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày12.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu người điều khiển xe máy dưới 50 cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW có cấp giấy phép lái xe. 

Trước khi quyết định này ra đời, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định công dân chỉ cần đủ 16 tuổi trở lên là được điều khiển các loại xe máy dưới 50 cm3 hoặc xe máy điện tham gia giao thông mà không có bất cứ quy định nào khác về sức khỏe, năng lực nhận thức hoặc am hiểu về pháp luật an toàn giao thông đường bộ. Chính vì lỗ hổng này mà nhiều học sinh sử dụng xe máy dung tích dưới 50 cm3 hoặc xe máy điện theo kiểu... liều mạng. Hình ảnh những nhóm học sinh hàng hai, hàng ba hoặc đèo hai, đèo ba trên xe máy phóng bạt mạng mỗi khi tan trường khá phổ biến, trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy 90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đối với trẻ em trong những năm gần đây rơi vào nhóm từ 16 - 18 tuổi. Đây là con số đáng báo động vì hầu hết học sinh trong độ tuổi này sử dụng xe máy, xe đạp điện hoặc xe máy điện để đến trường. Độ tuổi của các em vẫn "vô lo, vô nghĩ" nên trong quá trình tham gia giao thông thường mải nói chuyện, không chú ý quan sát. Ngoài ra, do không được đào tạo bài bản nên các em không có kiến thức về pháp luật giao thông, không có kỹ năng xử lý tình huống dẫn đến làm tăng nguy cơ gây tai nạn khi tham gia giao thông.

Đáng ra việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho nhóm đối tượng này phải được thực hiện từ lâu. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ dù muộn nhưng cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc khắc phục những hạn chế nhằm kéo giảm số vụ TNGT vốn nhức nhối suốt thời gian dài vừa qua. Đây là quyết định phù hợp với thực tế trong nước và thông lệ quốc tế, nhận được sự đồng tình của xã hội.

Một vấn đề đặt ra là làm sao để việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe thực chất, không mang tính đối phó. Khi quyết định có hiệu lực, số người có nhu cầu học, xin cấp giấy phép lái xe chắc chắn sẽ rất lớn, đòi hỏi công tác đào tạo phải vừa bảo đảm chất lượng, vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Thực tế, việc điều khiển xe máy hay xe máy điện khá đơn giản, thậm chí dễ hơn nhiều so với tập đi xe đạp, nhưng đa phần các vụ việc liên quan đến xe máy vẫn chiếm phần lớn trong tổng số các vụ TNGT xảy ra hằng năm ở nước ta. Nguyên nhân do người điều khiển xe máy, xe đạp điện, xe máy điện mới chỉ học để biết cách điều khiển xe chạy trên đường mà chưa học để nắm vững và thực hành nhuần nhuyễn các nguyên tắc, quy định về lái xe an toàn. 

Dư luận băn khoăn khi nhu cầu đào tạo, cấp giấy phép lái xe tăng đột biến liệu các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe có bảo đảm được chất lượng học tập cho học viên. Vì vậy việc triển khai quyết định này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo, sát hạch đến việc tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi thói quen, tâm lý của người sử dụng phương tiện giao thông và của cả xã hội, tránh việc đào tạo, học tập dễ dãi, qua loa nhằm hợp thức hóa để đối phó với cơ quan chức năng.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muộn còn hơn không