PCI và trách nhiệm với doanh nghiệp

20/04/2021 08:30

Từ năm 2016 đến nay, chỉ số PCI của Hải Dương luôn duy trì ở mức trung bình và thấp, không tương xứng với vị thế của tỉnh.

Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 (PCI 2020) dựa trên khảo sát 12.300 doanh nghiệp (DN) gồm 10.700 DN tư nhân và 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài. 

Trong bảng xếp hạng này, Hải Dương đứng thứ 47 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. So với năm 2019, vị trí của Hải Dương không thay đổi, nhưng tổng điểm giảm 1,33 điểm so với năm 2019. Trong 10 chỉ số thành phần, dù có tới 6 chỉ số thành phần tăng điểm nhưng lại tăng ở mức thấp, trong khi 4 chỉ số thành phần quan trọng, thể hiện vai trò của chính quyền và các cơ quan chuyên môn lại giảm điểm mạnh như tiếp cận đất đai giảm 0,9 điểm, tính minh bạch giảm 0,96 điểm, cạnh tranh bình đẳng giảm 1,22 điểm và tính năng động giảm 0,94 điểm.

Từ năm 2016 đến nay, chỉ số PCI của Hải Dương luôn duy trì ở mức trung bình và thấp, không tương xứng với vị thế của tỉnh. Nếu như năm 2016, PCI của Hải Dương xếp thứ 36 thì năm 2017 tụt xuống thứ 49. Đặc biệt, năm 2018 chỉ số PCI của Hải Dương tụt xuống vị trí thứ 55, thấp nhất từ khi bảng xếp hạng được công bố. Nhìn xa hơn, từ khi PCI được công bố năm 2006, vị trí tốt nhất của Hải Dương cũng chỉ dừng ở thứ 29. 

Bảng xếp hạng PCI thể hiện năng lực điều hành kinh tế của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, khả năng cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, giảm thiểu chi phí không chính thức cũng như tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Để PCI tăng điểm, chính quyền và cơ quan chuyên môn phải phản ứng nhanh, có những giải pháp linh hoạt, kịp thời nhằm hỗ trợ DN nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh tác động sâu sắc của dịch bệnh. Trong bảng xếp hạng PCI năm 2020, những tỉnh, thành phố có vị trí tốt đều được cộng đồng DN đánh giá cao các chỉ số gia nhập thị trường, cắt giảm thủ tục hành chính, sự vào cuộc quyết liệt, đặt lợi ích của DN lên hàng đầu, luôn đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.

Trong bối cảnh DN ngày càng chịu tác động rất lớn từ nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đặt ra rất nhiều thách thức nên DN cần sự hỗ trợ thực chất về cơ chế, chính sách cũng như những giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đối với DN, sự đồng hành, thấu hiểu của chính quyền nhiều khi còn quan trọng hơn nhiều những giá trị vật chất hữu hình.

Cộng đồng DN Hải Dương có tinh thần đổi mới, sáng tạo, không ngại khó. Nhiều DN có chiến lược tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường. Họ có khát khao vươn lên lớn mạnh. Họ luôn kỳ vọng chính quyền và cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm dần tiến tới loại trừ các chi phí không chính thức, nâng cao chất lượng thực thi chính sách... Đặc biệt, DN nhỏ và vừa ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào ngân sách cũng như tạo việc làm cho người lao động nhưng tiếng nói chưa có trọng lượng. Nhiều DN nhỏ và vừa than phiền rằng họ có cảm giác chính quyền và cơ quan chuyên môn đang ưu ái DN lớn, DN nhà nước hơn. Những hạn chế về môi trường đầu tư mà cụ thể là PCI thấp đã làm giảm khát khao, động lực vươn lên của DN, là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng DN tại Hải Dương chưa lớn mạnh.

Những năm qua, thu ngân sách của Hải Dương luôn năm sau cao hơn năm trước, nhưng ai cũng hiểu rằng số thu này không bền vững vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ đất. Muốn giảm sự phụ thuộc vào tiền bán đất cần nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cũng như triển khai những giải pháp hỗ trợ đắc lực cho DN trong sản xuất, kinh doanh để DN luôn sống khỏe, lành mạnh, tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật.

Để cải thiện môi trường đầu tư, ngoài cơ chế, chính sách phù hợp và sự quyết liệt của người đứng đầu, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thể hiện trách nhiệm với sự phát triển của tỉnh, luôn hết mình vì công việc được giao. Phải thực sự nghiêm túc suy nghĩ về vị trí của Hải Dương trên bảng xếp hạng PCI những năm qua. Luôn đặt câu hỏi tại sao một tỉnh có điều kiện thuận lợi như Hải Dương lại chưa phải là đích đến của các DN, đặc biệt là những DN lớn, đầu ngành. Phải xác định đồng hành, sát cánh cùng DN và người dân là trách nhiệm và nghĩa vụ. Cán bộ, công chức, viên chức phải đồng cảm, lo cái lo của DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Có như thế DN mới coi Hải Dương là mảnh đất lành, muốn tìm đến để gắn bó lâu dài, có khát vọng vươn lên cùng Hải Dương phát triển.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PCI và trách nhiệm với doanh nghiệp