Rà soát điểm thi THPT là cần thiết

24/07/2018 09:27

Bộ GDĐT nên có sự điều chỉnh mốc thời gian tuyển sinh để các trường đại học yên tâm xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia sau khi đã được rà soát.

Ngày 20.7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có công văn yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước rà soát điểm thi THPT quốc gia năm 2018. Qua rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo bộ và căn cứ tình hình có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy chế và theo pháp luật.

Như vậy, sau khi rà soát những trường hợp điểm cao bất thường ở tỉnh Hà Giang và phát hiện sự gian lận, thành lập tổ công tác rà soát tại các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bến Tre, yêu cầu này của Bộ GDĐT giống như sự thừa nhận bộ đã không kiểm soát được chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm nay trong cả nước.

Cuộc tổng rà soát này là việc làm cần thiết để đánh giá lại mức độ trung thực, khách quan, minh bạch của điểm thi THPT quốc gia năm nay nhưng cũng làm dấy lên nhiều lo lắng, băn khoăn. Việc rà soát được bộ giao cho chính các địa phương tổ chức thi tự thực hiện được cho là sẽ không hiệu quả cao. Những nơi đã để xảy ra sai phạm một cách trót lọt thì bây giờ khó lòng tự phát hiện ra sai phạm trong bộ máy của mình, và nếu có phát hiện ra thì cũng khó có sự tự thừa nhận về sai phạm đó. Vì trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, theo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018, Sở GDĐT Hà Giang đã phát hiện hành vi sai phạm của ông Vũ Trọng Lương từ ngày 7.7, khi đang chấm bài thi nhưng không công bố. Phải đến 10 ngày sau là ngày 18.7, khi Bộ GDĐT có văn bản chỉ đạo cụm thi này làm rõ những bất thường trong điểm thi, vụ việc mới được làm sáng tỏ. Đó là chưa kể nhiều người lo ngại sự tự rà soát là cơ hội cho các hội đồng thi “hợp lý hóa” điểm thi, quy trình chấm thi, khiến những sai phạm càng khó phát hiện...

Ở những địa phương mà Bộ GDĐT đã thành lập tổ công tác rà soát lại điểm thi đều có nhiều trường hợp điểm cao một cách bất thường. Như ở Hà Giang, nhiều thí sinh được nâng điểm của các bài thi lên tới hơn 20 điểm. Còn tại các địa phương khác, nếu sai phạm ở mức độ “nhẹ nhàng, hợp lý” hơn thì chưa chắc đã bị phát hiện. Bởi vậy, cuộc tổng rà soát nên do Bộ GDĐT chủ trì. Việc Bộ GDĐT rà soát điểm thi không chỉ để phát hiện sai phạm một cách khách quan mà còn để những nơi tổ chức kỳ thi một cách nghiêm túc không bị mang tiếng oan, chịu sự nghi ngờ chung từ dư luận.

Để việc rà soát điểm thi không gây thêm nhiều khó khăn, bất cập, ngay từ bây giờ Bộ GDĐT cũng nên tính đến sự tác động của nó đối với những người liên quan. Bây giờ đang là thời điểm các trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Rất nhiều trường sử dụng điểm thi THPT quốc gia làm phương thức xét tuyển. Nếu như kết quả rà soát tiếp tục phát hiện những bất thường, sai phạm khiến điểm thi buộc phải điều chỉnh thì sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ tuyển sinh của các trường. Vì vậy Bộ GDĐT nên có sự điều chỉnh mốc thời gian tuyển sinh để các trường đại học yên tâm xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia sau khi đã được rà soát.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rà soát điểm thi THPT là cần thiết