Tham ô tri thức

17/12/2019 08:00

Tỉnh Quảng Ngãi vừa yêu cầu 4 trường hợp được cử đi du học bằng ngân sách tỉnh nhưng không về như cam kết phải hoàn trả gấp đôi số kinh phí đã được hỗ trợ với tổng số tiền 9 tỷ đồng.

Cả 4 người này đều là con lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh. Không biết có mối dây liên hệ nào giữa việc con các quan chức được đi du học bằng tiền ngân sách hay không nhưng rõ ràng những người được hưởng chế độ ưu đãi mà không quay về phục vụ tỉnh đã tạo hình ảnh xấu trong người dân. Đây cũng là một cách tham ô mà các địa phương cần ngăn chặn.

Những người được ngân sách hỗ trợ tiền đi học mà không quay về làm việc tại địa phương có thể không gây thiệt hại về kinh phí nếu họ hoàn trả số tiền này nhưng họ đã lấy mất cơ hội đi học của những người mong muốn phục vụ địa phương thực sự. Họ cũng làm lỡ dở những kế hoạch nhân sự của tỉnh khi phải tiếp tục bồi dưỡng những người khác.

Tình trạng này xảy ra khá phổ biến không chỉ ở đối tượng đi du học mà còn ở cả nhóm được đi học nâng cao trình độ lên thạc sĩ, tiến sĩ trong nước. Nhiều người sau khi được cơ quan, tổ chức tạo điều kiện cho đi học, có bằng cấp cao hơn liền chuyển công tác khác, tới những nơi có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Kể cả khi tự đóng học phí, người đi học vẫn cần sự hỗ trợ của cơ quan, đồng nghiệp mới có thể hoàn thành cả công việc và việc học, nên việc nhận bằng rồi chuyển đi nơi khác vẫn có thể coi là lợi dụng sự tạo điều kiện của tổ chức cho mình.

Hầu hết những người không ở lại làm việc cho địa phương, tổ chức cử mình đi học đều với lý do môi trường làm việc không phù hợp, khó phát triển sự nghiệp. Nhưng điều kiện làm việc như thế nào họ đều đã biết trước khi quyết định đi học nên nếu không quyết tâm gắn bó ít nhất là bằng thời gian cam kết thì không nên nhận sự hỗ trợ từ ngân sách. Đây là điều những người trước khi đi học bằng ngân sách cần cân nhắc thấu đáo. Ngoài chuyện phá bỏ cam kết về mặt lý có thể phải đền bù, cần nghĩ đến cả chữ tình trong đó để ứng xử bằng lòng tự trọng của người trí thức.

Để hạn chế tình trạng lợi dụng việc đi học bằng ngân sách, các địa phương, cơ quan, tổ chức cần có cơ chế xét duyệt chặt chẽ, bảo đảm “chọn mặt gửi vàng”, trao cơ hội cho những người thực sự có mong muốn làm việc cho mình. Đồng thời thực hiện nghiêm túc chế tài đền bù kinh phí đào tạo để những người có nhu cầu đi học tự cân nhắc.

Mặt khác, cần tạo điều kiện để những người đi học khi quay về phát huy được năng lực, kiến thức của mình thì họ mới yên tâm cống hiến. Có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ vẫn quyết tâm gắn bó với cơ quan nhà nước dù mức lương bèo bọt và họ có những cơ hội việc làm cho thu nhập cao hơn. Song chế độ đãi ngộ thấp khó lòng khiến người ta yên tâm làm việc, khuyến khích sự sáng tạo lâu dài.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham ô tri thức