Thảo luận, tranh luận tại Đại hội Đảng

09/07/2020 08:35

Tham luận của đại biểu phải tìm ra được vấn đề mà tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo và kiến nghị giải pháp tổ chức thực hiện.

Trước Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 3.4.1960. Bác đã viết rằng Đại hội Đảng "là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả các đảng viên cần phải hăng hái tham gia thảo luận... Toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để bảo đảm đại hội thành công thật tốt đẹp...".

Quán triệt tư tưởng của Bác, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30.5.2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ cấp trên... Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới phải sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả”.

Trong khuôn khổ một đại hội, thời gian có hạn mà thời gian thực tế dành cho thảo luận không nhiều nên “thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả...” là một việc không dễ, phải khéo tổ chức bằng nhiều hình thức mới được. Điều này yêu cầu trách nhiệm của đoàn chủ tịch, tiểu ban chuẩn bị văn kiện và trách nhiệm của các đại biểu tham gia đại hội. Thực tế ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở, một số đảng bộ cấp trên cơ sở vừa tiến hành đại hội cũng đã quan tâm đến thảo luận các nội dung của văn kiện, đặc biệt là các quyết sách của đại hội. Trong thảo luận góp ý vào văn kiện của cấp trên và cấp mình cũng đã có một vài đổi mới, dành thời gian cho thảo luận tổ, có những đảng bộ khi thảo luận đã có những tranh luận.

Tuy nhiên, phần lớn tại các đại hội vẫn thảo luận theo cách xưa nay vẫn làm là chỉ một số đại biểu được phân công viết tham luận trình bày tại đại hội, còn các đại biểu khác chỉ có mỗi nhiệm vụ giơ tay biểu quyết. Tham luận của nhiều đại biểu còn nặng về báo cáo thành tích của ngành mình, địa phương, cơ sở mình. Do vậy, số lượng ý kiến thảo luận đã ít mà nội dung lại chưa tốt, chưa có nhiều đề xuất, giải pháp hay. Đây là một hạn chế trong tổ chức Đại hội Đảng hiện nay.

Để việc thảo luận, tranh luận ở Đại hội Đảng bảo đảm yêu cầu của Bộ Chính trị, việc phân công đại biểu thảo luận, tham luận trong đại hội cần thay đổi. Trên cơ sở thành phần, cơ cấu, ngành nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của từng đại biểu dự đại hội, các đoàn phân công một số đại biểu chuẩn bị những ý kiến, tham luận tại đại hội cấp trên. Tham luận của đại biểu phải tìm ra được vấn đề mà tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo và kiến nghị giải pháp tổ chức thực hiện. 

Trong thảo luận, tranh luận tại Đại hội Đảng, có những ý kiến khác nhau phải xem đó là chuyện đương nhiên, cần đến thảo luận, tranh luận để đi đến sự thống nhất cao, tạo ra sức mạnh cho tổ chức đảng. Cho nên những người có ý kiến khác nhau cũng cần lắng nghe ý kiến của nhau, phải gạt bỏ tư tưởng cá nhân, hiếu thắng vì mục tiêu chung của Đảng.

Đại biểu đi dự đại hội đại diện cho đảng viên nơi chi bộ, đảng bộ mình sinh hoạt, mang theo những ý kiến, kiến nghị, cả những bức xúc của tổ chức, của địa phương đến đại hội. Cho nên phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả các đại biểu bày tỏ hết ý kiến của mình; phải tập hợp hết ý kiến của đảng viên để nâng cao chất lượng đại hội. 

Nguyên tắc tập trung dân chủ cần được quán triệt và thực hiện trong quá trình thảo luận, tranh luận. Mỗi đảng viên trong tổ chức đảng và khi tham dự Đại hội Đảng cần phát huy trách nhiệm khi thảo luận các quyết sách đưa ra tại Đại hội Đảng.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảo luận, tranh luận tại Đại hội Đảng