Tránh những mức nộp lỗi thời

24/05/2020 04:11

Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân mới vẫn chưa phù hợp với tình hình biến động của giá cả và mức thu nhập của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân từ 9 lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 3,6 lên 4,4 triệu đồng/tháng. Với mức giảm trừ mới này, sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ mới này vẫn chưa phù hợp với tình hình biến động của giá cả và mức thu nhập của người dân.

Mức tăng giảm trừ gia cảnh được tính theo biến động tăng của chỉ số giá tiêu dùng CPI (chỉ số này hiện nay tăng 23,2% so với năm 2013 - thời điểm bắt đầu áp dụng mức giảm trừ 9 triệu đồng/tháng). Nhưng bằng cảm quan bình thường, nhiều người nhận thấy giá cả sinh hoạt trong 7 năm qua đã tăng cao hơn mức đó khá nhiều. Bản chất của thuế thu nhập cá nhân dùng để đánh vào người có thu nhập cao chứ không phải đánh vào những cá nhân có thu nhập vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Vì vậy, cần dựa vào cả mức tăng thu nhập của người dân để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 là 3.000 USD, tăng 36% so với năm 2013 nên mức giảm trừ gia cảnh cũng cần tăng tương xứng với chỉ số này.

Quy định về người phụ thuộc hiện nay cũng có điểm không còn hợp lý. Theo đó, người có thu nhập thường xuyên trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc để được tính giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ về hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2015-2020 thì mức thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị là đạt chuẩn cận nghèo. Trên thực tế, mức thu nhập 1-2 triệu đồng/tháng là rất thấp, khó có thể duy trì được cuộc sống tối thiểu, nhất là ở đô thị. Họ nên được tính là người phụ thuộc để khuyến khích sự trợ giúp của người thân có thu nhập cao.

Đây không phải lần đầu tiên người dân cảm thấy băn khoăn với những mức nộp chưa theo kịp sự phát triển của xã hội. Trong lĩnh vực xử phạt hành chính, có những mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe người vi phạm, thậm chí khiến dư luận cảm thấy bất bình như xử phạt 200.000 đồng đối với hành vi dâm ô. Nền kinh tế của chúng ta hiện đang liên tục phát triển nên những mức nộp phí, nộp phạt… được quy định bằng những con số cụ thể, cố định thì sẽ nhanh chóng bị lỗi thời. Nếu liên tục sửa để theo kịp sự phát triển của xã hội thì mất rất nhiều thời gian, công sức vì các quy định của luật pháp liên quan đến mức nộp rất nhiều.

Các cơ quan quản lý nhà nước nên tính đến việc quy định mức nộp theo tỷ lệ phần trăm nhất định so với mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương cơ sở vì mức tiền này phản ánh mức thu nhập của người dân và được điều chỉnh thường xuyên. Như vậy, chỉ cần Chính phủ điều chỉnh mức lương là các mức nộp sẽ tự động được điều chỉnh theo, không cần có thêm các bước tính toán để sửa luật. Xây dựng mức nộp như vậy sẽ giúp quy định không bị lỗi thời và những thay đổi nhanh chóng đi vào cuộc sống hơn. Trên thực tế, trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng, nhiều quy định về tiền thưởng của Nhà nước được xây dựng dựa trên mức lương cơ sở tỏ ra rất hiệu quả, áp dụng được trong thời gian dài mà không cần chỉnh sửa.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh những mức nộp lỗi thời